Trang chủ » Di tích và lễ hội Bắc Giang

Di tích và lễ hội Bắc Giang

bởi unexpress
Bắc Giang là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hoá với những giá trị di sản vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng , đây những tiềm năng lớn cho phát triển du lịch trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, tính đến 31/12/2007, tỉnh Bắc Giang hiện có 2.237 di tích các loại, trong đó đã tiến hành lập hồ sơ khoa học và pháp lý xếp hạng 461di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh (trong đó có 109 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 352 di tích được xếp hạng cấp tỉnh). Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khá nhiều di tích còn nguyên vẹn, từ nghệ thuật kiến trúc, họa tiết hoa văn đồ thờ tự như: Đình Lỗ Hạnh (xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà); đình Phù Lão (xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang); đình Thổ Hà (xã Vân Hà), chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn) huyện Việt Yên; đình Hả (xã Tân Trung, huyện Tân Yên), chùa Đức La (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng)….
Di tích ở Bắc Giang còn khá nguyên vẹn về tính nguyên gốc từ nghệ thuật kiến trúc đến họa tiết hoa văn trang trí …có từ thời khởi dựng, đến nay vẫn được lưu giữ, bảo tồn khá hiệu quả. Đến với các di tích lịch sử-văn hóa du khách vừa được chiêm ngưỡng và hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa các triều đại: Lý, Trần, Lê, Nguyễn…, đồng thời được đến với cảnh quan của đồng bằng trung du Bắc Bộ trù phú, thơ mộng với phong cảnh hữu tình của Khuôn Thần, Vực Rêu, Suối Mỡ, Suối Tóp…ở Bắc Giang. Nhiều sử gia khi thăm quan, nghiên cứu ở vùng đất này đều đánh giá cao về giá trị di tích lịch sử-văn hóa của các di tích, bởi nói đến các di tích lịch sử-văn hóa không thể không nói đến lễ hội truyền thống: Đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung cả về phần lễ và phần hội.
Bắc Giang là vùng đất của hội hè như nhiều người vẫn thường nói thế. Lễ hội ở đây được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến với nhiều loại hình lễ hội như: Hội đình, hội đền, hội chùa, hội chạ, hội hát, hội chợ…Lễ hội ở Bắc Giang luôn gắn với các di tích lịch sử-văn hóa của làng, của xã, thậm chí của vùng.
Hàng năm, vào dịp đầu Xuân, Bắc Giang tổ chức hàng loạt lễ hội tại các di tích từ những ngày đầu của tháng Giêng. Du khách được đắm mình trong không gian lễ hội của các đình, đền, chùa được trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh; Điển hình là lễ hội Xương Giang (thành phố Bắc Giang); Lễ hội Y Sơn (huyện Hiệp Hòa); Lễ hội đình Thổ Hà, chùa Bổ Đà, hội vật cầu nước làng Vân (huyện Việt Yên); Lễ hội bơi chải (huyện Sơn Động); Hội hát Soonghao (Lục Ngạn); Lễ hội suối Mỡ, lễ hội chùa Cao (Lục Nam); Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng)… Đến với lễ hội, ngoài việc được chiêm ngưỡng các di tích lịch sử-văn hóa, được hòa mình trong không khi lễ hội rộn ràng, du khách còn được thưởng thức các món riêng có của từng vùng miền nơi diễn ra lễ hội như: Bánh đa ở hội Kế, Bún ở hội Đa Mai, chè kho hội Mỹ Độ (thành phố Bắc Giang); bánh khúc tai mèo ở hội Thổ Hà, và sẽ thật thiếu sót khi không nhắc tới đặc sản rượu Vân nổi tiếng đã thành thương hiệu cả trong và ngoài nước ở hội chùa Vân (Việt Yên); xôi bẩy mầu, bánh vắt vai, bánh gio ở hội hát Soonghao, Sli, lượn (Lục Ngạn)…
Tuỳ tập quán của từng địa phương mà phần tế lễ ở các hội cũng khác nhau: Ở hội Bo Chợ (Yên Thế) đồ để tế lễ thường là một con bò, một con lợn. Bò để tế phải là con bò có màu lông vàng tuyền, được mổ bụng bỏ hết nội tạng, nhét đầy rơm vào bụng khâu lại rồi đem thui, đặt ở tư thế quỳ, khi tế bò được đặt ở gian giữa của đình, đầu chầu vào hậu cung; ở hội Thổ Hà (Việt Yên) bò dùng tế thần cũng được làm hết sức cẩn thận, trên đầu bò người ta còn phủ lớp màng mỡ trong bụng bò lên đầu bò nhìn như đội chiếc khăn voan mỏng rồi đặt lên giá, khiêng đi trong đám rước trông thật đẹp mắt; tại làng Cao Thương, xã Cao Thượng (Tân Yên) có tục thờ thần bằng lợn có màu lông đen tuyền; làng Phú Khê, xã Quế Nham (Tân Yên) lại có tục lệ tế thần bằng trâu sống…Ở Bắc Giang hiện đang lưu truyền trên 500 lễ hội truyền thống và hiện đại, đây là con số không nhỏ trong số rất nhiều lẽ hội được diễn ra trên quy mô cả nước. Lễ hội của Bắc Giang luôn gắn liền với các di tích lịch sử-văn hóa, gắn với một điển tích của di tích, của làng, của xã nơi diễn ra lễ hội.
Mỗi lễ hội ở di tích Lịch sử-Văn hoá của Bắc Giang đều có đặc trưng, sắc thái riêng, người được thờ trong các di tích ấy cũng không giống nhau: Có thể là nhân thần, nhiên thần, cũng có thể là tín ngưỡng thờ phồn thực, thờ thành hoàng làng, thờ mẫu…  Nhưng cái chung nhất trong các lễ hội ở Bắc Giang là du khách được đến với các di sản văn hóa, với sự ngưỡng mộ các bậc tiền nhân, lòng sùng bái các anh hùng dân tộc; lòng biết ơn những người đã có công với dân, với nước, những danh nhân lịch sử-văn hóa. Qua những tín ngưỡng thờ cúng  bằng tấm lòng tôn kính và cùng nhau cầu mong cho quốc thái, dân an, mỗi người lại tự minh cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, mong cầu điều tài, cầu an khang thịnh vượng mỗi khi đi dự hội đầu xuân, cũng như các lệ hôị khác trong năm. Đồng thời du khách cũng được thưởng thức văn hoá nghệ thuật của Bắc Giang như: nghệ thuật đàn then, đàn tính, hát Soong hao, Sli lượn ở Lục Ngạn, Sơn Động; hát quan họ ở Việt Yên; thưởng thức đàn then ở Thái Đào (Lạng Giang ); đặc biệt khi mùa hè đến khoảng tháng bảy du khách đến với huyện Lục Ngạn sẽ được tắm mắt ngắm những đồi vải mọng đỏ, trĩu quả, được thưởng thức vị ngọt đậm đà không thể quên của vải thiều Lục Ngạn.
Di tích và lễ hội ở Bắc Giang đã và đang được ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng như UBND tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy trong đời sống nhân dân; là tiềm năng và thế mạnh của Bắc Giang trong phát triển du lịch trước mắt và lâu dài. Hi vọng, mỗi di tích và lễ hội Bắc Giang sẽ luôn được bảo tồn và phát huy một cách tích cực hơn, hiệu quả hơn trong tương lai, đồng thời cùng với việc bảo tồn những di sản văn hoá đó sẽ góp phần vào sự phát triển của du lịch Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Thanh Huyền, Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang
Theo http://www.dulichb
acgiang.net, 18/5/2010

Có thể bạn quan tâm