Trang chủ » Lễ hội xuân làng Tiếu Mai

Lễ hội xuân làng Tiếu Mai

bởi unexpress
Bắc Giang là một tỉnh có nhiều dân tộc cư trú, nét văn hoá ở mỗi dân tộc, mỗi vùng mang màu màu sắc khác nhau, lễ hội truyền thống đầu xuân vì thế cũng nhiều nét hấp dẫn. Trong đó,  hội xuân làng Tiếu Mai là một lễ hội khá tiêu biểu.
Tiếu Mai là một làng cổ ven sông Cầu thuộc xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà. Từ ngàn xưa, làng đã tồn tại với nhiều tên gọi: Tiếu Mai, Tiếu Thượng, Tiếu Mai, làng Tiếu, làng Mai. Thời cổ gọi làng là làng Tiêu Mai. Đến thời nhà Trịnh, do phải kiêng tên huý của một vị chúa tên là Tiêu nên phải bỏ tên Tiêu mà đọc chệch thành chữ Tiếu, đổi gọi là làng Tiếu Mai, về sau tam sao thất bản viết thành làng Tiểu Mai, lại chia thành hai làng, làng dưới gọi là Tiểu Mai xã Hạ Thôn, làng trên gọi là Tiểu Mai xã Thượng Thôn, rồi thành tên là làng Mai Thượng hay Tiếu Thượng như ngày nay. Cư dân nơi đây khá thuần hậu và đoàn kết, nông nghiệp là nghề nghiệp chính, ngoài ra họ còn có nghề trồng dâu nuôi tằm tương đối lâu đời. Đời sống vật chất và tinh thần của nơi đây rất phong phú, làng có các thiết chế văn hoá như: chùa Xác (An Lạc tự) – nơi thờ phật; một nhà thờ đạo chung cho cả làng; đình, nghè Mai Thượng – nơi thờ thành hoàng làng là đức Thánh Trương Kiều là con trai thứ tư của đức Thánh Tam Giang…Sau khi cho em gái là Đạm Nương đưa con trai Trương Kiều đi lánh nạn, Đức Thánh Tam Giang đã đưa cả gia đình xuôi thuyền đến ngã  ba Xà tự vẫn. Trương Kiều nghe tin, bèn quay về khúc sông tự vẫn theo cha, người cô Đạm Nương xuôi về Phả Lại không tìm thấy cháu cũng tự vẫn. Dân làng Tiếu vì cảm tấm lòng trung hiếu, tiết nghĩa của Trương kIều mà lập đền thờ, bên canh Trương Kiều còn đặt tượng người cha là Trương Hống để hai cha con ở gần nhau. Đức Thánh Trương Kiều rất hợp với bà cô mình, cho nên bên trái sau nghè thờ còn lập thêm miếu thờ Đạm Nương – bà cô của thánh. Hàng năm, làng có nhiều tiết lệ để tưởng nhớ đến công lao của thành hoàng, quan trọng nhất là hai hội lệ chính vào ngày 2/2 và 10/3 Âm lịch. Đây là hai lệ được gìn giữ bảo tồn và phát huy cho tới ngày nay với lệ tung hoa và lệ bơi chải. Trong những dịp hội lệ này, dân làng cùng nhau chuẩn bị sắp lễ thờ cúng và vui chơi, con cháu trong làng đi xa cứ đến ngày hội đều trở về thăm quê, khách thập phương xa gần biết tiếng lễ hội lại cùng nhau hành hương về vùng đất Mai Đình dự hội.
Hội lệ mùng 2/2 (còn gọi là hội nghè Ngũ Giáp hay là lễ hội tung hoa). Nghè Ngũ Giáp là nghè của 5 giáp trước đây ở làng Mai, đó là các giáp: Đông Trước, Đông Nam, Tây Trước, Trung Xôn và Bắc Tuyền. Trước đó 3 ngày từ ngày 30/1 Âm lịch, dân làng tổ chức mở cửa đình, nghè và làm lễ yết cáo thành hoàng làng. Nét đặc sắc trong lễ hội tung hoa chính là lễ tung hoa tại sân đình. Mỗi giáp cử ra một người tung hoa, gọi là phát lộc. Nguồn gốc của lễ này được bà con truyền kể như sau: Thánh Trương kiều là con trai thứ tư của Đức Thánh Tám Giang, khi còn nhỏ tuổi ngài rất thích trò tung hoa. Sau khi ngài tuẫn tiết, nhân dân trong vùng đẫ tổ chức lễ tung hoa để tưởng nhớ đến thánh. Hoa ở đây là những thanh bánh dày được cắt nhỏ có chiều dài khoảng 3 cm, dày 0,5 cm, nhuộm hai màu đỏ và vàng. Sáng mồng 2/2 Âm lịch, sau khi tế thánh ở nghè, cụ thượng đọc bài văn giao hoa.
Sau khi cụ thượng đọc bài giao hoa và đánh một hồi ba tiếng trống thì hoa được tung lên khắp nơi trong khu vực nghè. Không khí ở nghè Ngũ Giáp lúc này vô cùng sôi động, hàng trăm hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy, reo hò và tranh cướp hoa. Dân làng quan niệm, mọi người dự hội ai nhặt được hoa thì đó là điều vô cùng may mắn, bông hoa được tung lên sau khi tế thánh chính là lộc của thánh ban phát.
Lễ hội bơi chải ở làng Tiếu Mai được tổ chức vào mồng 10 tháng 3 Âm lịch. Hội bơi chải không phải năm nào cũng mở, thường thì những năm chẵn, hoặc những năm dân làng có những sự kiện lớn như được mùa, tu sửa đình chùa …làng mới mở hội to. Cũng chỉ trong hội bơi chải mới có cuộc rước thánh từ nghè ra đình làm lễ, bên cạnh đó còn rước chải ra đình làm lễ trình thuỷ mã. Lễ hội bơi chải chính là dịp để nhân dân trong vùng ôn lại sự tích của đức thánh Tam Giang. Tất cả các nghi lễ như rước bài vị thánh, diễn tích tuồng “Triệt Giang phò A Đẩu” – là một tích tuồng cổ trong “Tam Quốc”, bơi thờ… đều diễn vào mồng 9 tháng 3. Từ ngày mồng 10 -13/ 3 mới tổ chức bơi thi. Trước đây làng có 5 chải cho 5 giáp tham gia hội bơi. Trong kháng chiến chống Pháp, làng đã mang 5 chải đưa bộ đội sang sông đánh Pháp ở bốt Yên Phụ nên đã bị hỏng cả. Hiện nay dân làng đã đóng lại được ba chải mới. Xưa kia, tất cả những người dự bơi chải phải là những người trong giáp cử ra, mỗi chải gồm 24 tay bơi và ba người phụ việc, các tay chải đều được tập bơi từ ngày 6-8 /3 trên sông. Trong các thuyền chải, đầu chải được đạt đầu qui, đuôi chải gắn đuôi rồng được sơn đẹp đẽ. Dọc hai bên bờ sông thuộc Ngã ba Xà, các làng Xà Đông, xà Đoài, làng Ngọc,…đều đóng chải. Việc đóng chải là thể hiện lòng thương tiếc của nhân dân tới anh em họ Trương đã giữ trọn đạo trung quân ái quốc, truyền rằng, việc tổ chức bơi chải là để tìm vớt thi thể của anh em họ Trương trên khúc sông này. Sau khi làm lễ khai mạc vào buổi chiều 10/3, cuộc bơi được diễn ra trong 6 hiệp của hai bảng cho đến chiều tối thì kết thúc cuộc bơi vòng loại. Ban tổ chức sẽ chọn ra hai đội nhất, hai đội nhì và hai đội ba của vòng bảng. Luật cuộc đua qui định mỗi đội có đường bơi riêng của mình. Những độ thắng là những đội không phạm qui: chải không chạm vào tiêu, người lái không lái hớt (chưa đến tiêu đã quay lại), không cua lấn sang dường bơi của đội khác… Hội bơi chải ở làng Tiếu Mai thu hút đông đảo sự quan tâm tham dự của nhân dân trong vùng cũng như các vùng lân cận, khi các chải thuyền bơi, hai bên bờ sông đông nghịt người reo hò, cổ vũ. Các tay bơi như được truyền thêm sức mạnh cũng hăng hái chèo nhanh, không khí sôi động có sức mạnh lan toả khắp vùng.
Tiếu Mai là một địa chỉ du lịch văn hoá hấp dẫn của tỉnh Bắc Giang; nếu có dịp, các quí khách đừng bỏ lỡ cơ hội về thăm, thưởng ngoạn một vùng quê trù mật có những con người thân thiện, cảnh quan nên thơ, êm ả  với những vườn dâu xanh mướt ven bờ sông Cầu và được đắm mình trong không khí lễ hội đầu xuân rộn ràng nơi đây!

Vi Thị Tỉnh

Có thể bạn quan tâm