Trang chủ » Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

bởi unexpress

Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, điều đó dễ nhận thấy ở người thanh niên Vũ Đình Chung bí thư chi đoàn thôn Nam Đồng. Ý chí đó đã giúp anh trở thành tỷ phú giàu có ở một vùng quê nghèo khó như Danh Thắng.

Hành trình tìm nghề và trở thành giám đốc

Năm 18 tuổi, người thanh niên này đã phiêu du khắp chốn cùng nơi. Anh thử sức mình ở nhiều lĩnh vực và nhiều tỉnh thành. Cuối cùng mảnh đất Tuyên Quang đã hướng cho anh một cái nghề hái ra tiền.

Năm 1998 anh công tác tại phòng kinh doanh của công ty phát triển công nghiệp Tuyên Quang. Anh tâm sự: “nhiều lần xuống thăm bà con trồng mía và các nhà máy sản xuất mía đường, thấy túi nilon vứt bữa bãi, rất lãng phí lại còn gây ô nhiễm môi trường. Đã giúp tôi nghĩ ra ý tưởng là sản xuất tái chế đồ nhựa từ rác thải. Cách làm này giải quyết được hai vấn đề, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Tôi đã quyết định xin nghỉ hẳn ở công ty để liên hệ với nhiều cơ sở sản xuất đồ nhựa trong nước tìm hiểu quy trình hoạt động”. Nắm chắc kỹ thuật anh trở về quê hương lập nghiệp.

Gia đình có vườn rộng 1ha là cơ sở để anh tin vào sự thành công của mình cộng thêm số vốn vay mượn được hơn 600 triệu đồng, anh dành hết đầu tư mua 1        dây chuyền sản xuất, thành lập công ty TNHH Chung Long sản xuất tái chế đồ nhựa từ rác thải và Doanh nghiệp kinh doanh vận tải- xây dựng ở cái tuổi 27. Ban đầu anh mang sản phẩm của mình đi khắp các nơi để chào hàng, cũng bị thất bại vài lần, Bởi mặt hàng này hoàn toàn mới lạ chưa có thương hiệu và uy tín nên người dân chưa tin tưởng. Anh tự tin: “Những lần như vậy đã giúp tôi có thêm bài học. Tôi tìm hiểu, nghiên cứu và cho làm lại các mặt hàng. Trước khi bán ra thị trường, công ty cung cấp sản phẩm cho người dân địa phương dùng thử mà không lấy tiền, sau đó lấy ý kiến đóng góp của họ. Chính cách làm này đã giúp tôi ngày càng thành công hơn”.

Sau hai năm làm ăn phát đạt anh lại tiếp tục thế chấp Ngân hàng đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay công ty có 3 dây chuyền  tổng vốn lên đến trên 2 tỷ đồng. Anh đã đi liên hệ với các nhà máy giấy Bắc Hà ở Yên Dũng, Bình Dương khu công nghiệp Song Khê- Nội Hoàng và HTX vệ sinh môi trường Thị trấn Thắng để thu mua nguyên liệu. Các mặt hàng như: máng lợn, thùng tưới, chậu rửa hoàn toàn được sản xuất chất liệu bằng nilon từ rác thải, có giá trung bình là 6000 đ/1 sản phẩm, so với hàng của Trung Quốc hay một số công ty trong nước thì giá thành rẻ hơn khoảng từ 2000-6000đ/1 sản phẩm, mà chất lượng cũng không hề kém hơn, và có nhiều ưu điểm như: chịu lực, chịu va đập tốt có độ bền cao nên được người tiêu dùng khá ưa chuộng.

Hiện sản phẩm của anh đang được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành như: Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Nội…. Riêng năm 2009 tổng doanh thu của công ty lên đến trên 8 tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm ổn định cho gần 30 công nhân của địa phương, ngoài bữa cơm trưa bình quân lương mỗi tháng anh trả từ 2-2,5 triệu đồng/người/.

Giám đốc tham gia công tác xã hội

Vất vả là thế song anh Vũ Đình Chung vẫn dành thời gian tham gia công tác xã hội. Anh giữ chức bí thư chi đoàn thôn Nam Đồng suốt từ năm 2003 đến nay, và hiện tại anh còn giữ nhiều chức vụ khác như: Phó chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên huyện Hiệp Hoà, Uỷ viên UB MTTQ xã, Ban chấp hành hội khuyến học, ban chấp hành đoàn xã. Mới đây anh còn tham gia giữ chức chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của huyện. Ở lĩnh vực nào thì anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các tổ chức các cấp. Đồng chí Nguyễn Văn Sáng bí thư đoàn xã tâm đắc: “Thật tự hào khi Đoàn xã có một bí thư chi đoàn như đồng chí Chung, tôi rất tin tưởng và yên tâm khi giao công việc, đó thực sự là một người có trách nhiệm, năng động, nhiệt tình”.

Từ khi trở thành một doanh nghiệp trẻ, anh Vũ Đình Chung thường xuyên làm công tác từ thiện. Như năm 2009, anh đã mua 45 xuất quà trị giá 5 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo, cụ cao tuổi của thôn nhân dịp tết nguyên đán, gần 4 triệu đồng mua thiết bị y tế, đổ chơi tặng cho trạm y tế, trường Mầm Non xã, 2 triệu đồng cho các cháu thiếu nhi cắm trại hè, 12 triệu đồng tu sửa, xây dựng chùa, 1 triệu đồng cho quỹ khuyến học xã và nhiều cuộc vận động khác cũng ủng hộ từ 1 triệu đồng trở lên….

Mai Anh – Đài TT Hiệp Hoà, 14/5/2010

Trang hiephoa.net được hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Mozilla Firefox và Google Chrome

Có thể bạn quan tâm