Trang chủ » Dịch lợn tai xanh trước nguy cơ lan rộng

Dịch lợn tai xanh trước nguy cơ lan rộng

bởi unexpress
Theo Cục Thú y, đến ngày 10/5, cả nước có 13 tỉnh có dịch lợn tai xanh vẫn chưa qua 21 ngày, trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh.
  
Hiện TP.HCM, thị trường tiêu thụ thịt heo vào loại lớn nhất cả nước chưa xuất hiện dịch bệnh này, tuy nhiên công tác phòng dịch còn nhiều bất cập khiến nguy cơ dịch bệnh có thể đe dọa bất cứ lúc nào.
TP HCM: Lợn “lậu” vào phố hàng đêm
Chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) vào lúc 3 giờ sáng, đây là thời gian cao điểm mà các loại nông sản thực phẩm vào chợ và xuất về các chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM. Trung bình một đêm, tại khu nhà lồng bán thịt lợn trong chợ có từ 2,2 đến 2,4 ngàn tấn thịt lợn từ 40 tỉnh, thành trong cả nước đổ về. Với khu vực lồng chợ rộng hơn 2.000 m2 và nhiều lối ra vào, trong khi lực lượng cán bộ thú y chỉ từ 12 đến 14 người thì mỗi cán bộ thú y, mỗi đêm phải kiểm tra ATVSTP gần 200 tấn thịt lợn. Một cán bộ thú y, Trạm Kiểm tra vệ sinh Thú y chợ Bình Điền cho biết: “Đêm nào cũng có thịt lợn đã giết mổ không qua kiểm dịch “tuồn” vào chợ. Tình trạng này đã kéo dài từ lâu. Những loại thịt này chưa dám khẳng định là có bệnh nhưng chất lượng thịt rất kém, có mùi hôi”.
Hơn nữa, từ 8 giờ sáng là hết giờ làm việc của lực lượng thú y tại chợ Bình Điền. Đây chính là điều kiện quá thuận lợi cho việc “tuồn” loại thịt lợn này vào chợ. Đi tìm hiểu tại một số chợ lẻ như chợ phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Trần Trọng Quí (quận 6), chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) thì hoạt động của lực lượng Thú y cũng tương tự. Như vậy, lượng heo đến chợ lẻ sau 9 giờ sẽ không có lượng lượng kiểm tra? Trả lời thắc mắc này, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú Y TP.HCM, cho biết: “Lực lượng Thú y làm việc theo chế độ ẩn, hiện chứ không theo giờ giấc”.
Lợn bệnh bị lực lượng thú y tạm giữ lại để lấy mẫu kiểm nghiệm
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 7,4 – 7,6 ngàn con lợn và được giết mổ tại 4 lò mổ lớn (quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, quận 12 và lò mổ Hóc Môn – Củ Chi). Hiện nay tại các lò mổ này, Chi cục Thú y đã thực hiện chặt chẽ công tác kiểm dịch và phòng chống lợn tai xanh. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác kiểm dịch là lợn thịt được chuyển từ vùng có dịch bệnh sang các tỉnh trung gian không có dịch, từ đó chủ lợn kiếm giấy kiểm dịch trước khi đưa tiêu thụ tại TP HCM, tình trạng này khiến thú y TP.HCM không thể xác minh được nguồn gốc. Đây chính là nguy cơ lợn tai xanh vào thành phố. Để kiểm soát nguồn heo tai xanh có thể vào TP.HCM, Chi cục Thú y đề xuất thành lập 4 đoàn phòng chống dịch gồm: Lực lượng thú y, quản lý thị trường, cảnh sát và thanh niên xung phong.
Dịch lợn tai xanh tiếp tục lan rộng
Theo Cục Thú y, đến ngày 10/5, một số tỉnh có dịch vẫn tiếp tục lây lan mạnh như Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Riêng tại Bắc Ninh, từ 3/5 đến 9/5, dịch lan thêm 17 xã, phường, thị trấn ở Yên Phong, Từ Sơn và TP Bắc Ninh. Đến nay, dịch tai xanh đã xảy ra ở 59 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện của tỉnh này với tổng đàn mắc bệnh trên 12.0000 con, bị chết và tiêu hủy trên 3.000 con.
Hôm qua 10/5, UBND tỉnh Bắc Giang đã công bố dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương đối với 13 mẫu huyết thanh lấy từ lợn ốm nghi mắc dịch tai xanh tại các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang, đều phát hiện có vi rút PRRS- dịch tai xanh. Tại huyện Yên Dũng, đến ngày 10/5, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện tại 124 hộ chăn nuôi ở 27 thôn của 9 xã, với tổng số 989 con mắc dịch; trong đó, có 685 con được chữa khỏi, 177 con đang điều trị và 127 con bị chết, chôn hủy.
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ra quyết định tiếp tục công bố dịch tai xanh trên đàn lợn tại địa bàn huyện Phú Lương. Tính đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 166 hộ ở 57 xóm thuộc 16 xã, 3 huyện (Phú Bình, Đồng Hỷ và Phú Lương) có dịch tai xanh. Trong đó có 1.755 con lợn mắc bệnh, lực lượng thú y đã tiêu hủy 939 con lợn.
Huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cũng lần đầu tiên xuất hiện dịch lợn tai xanh tại xã Lương Phú. Ông Trần Đăng Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Ban Chỉ đạo Chống dịch tai xanh của xã cho biết: Dịch bắt đầu xuất hiện tại xã từ ngày 3/4, tại đàn lợn trên 40 con của gia đình ông Trần Thanh Sơn ở xóm Phú Mỹ và cho đến nay, dịch lợn tai xanh đã tấn công đàn lợn của 28 hộ dân ở 6/12 xóm, đã có gần 400 con lợn mắc bệnh, trong đó đã chết hoặc bị tiêu hủy gần 200 con. Dịch lợn tai xanh ở Lương Phú chủ yếu tập trung ở các gia đình nuôi lợn theo mô hình trang trại và có tốc độ lây lan nhanh. Chị Nguyễn Thị Năm ở xóm Phú Hương cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, lợn nhà tôi bị chết rải rác, gia đình đã phải cho tiêu hủy 4 lần, hiện trong số 30 con còn lại vẫn có con có biểu hiện bỏ ăn, sốt cao, chắc cũng khó qua khỏi”.
Điền Minh – Minh Hào
TS. Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Lợn bị nhiễm bệnh tai xanh thì sẽ rất dễ nhiễm các bệnh kế phát như: liên cầu lợn, tụ huyết trùng, tả, phó thương hàn…
Những bệnh này có thể lây lan sang người qua tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh không có trang bị bảo hộ, ăn tiết canh và thịt lợn chưa được chế biến kỹ. Vì vậy, không riêng gì dịch bệnh tai xanh mà đối với các dịch bệnh khác trên lợn, chúng tôi khuyến cáo người dân cảnh giác với những con lợn có biểu hiện bệnh hoặc không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không ăn tiết canh và các sản phẩm từ lợn chưa được chế biến kỹ.
Những người tay chân bị trầy xước thì không nên tham gia tiêu hủy hoặc chế biến thịt lợn, nếu cần thì phải trang bị phòng hộ đầy đủ như găng tay, khẩu trang, ủng… Người dân không vì quá hoang mang mà tẩy chay thịt lợn, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh lây nhiễm từ lợn là chúng ta nên mua thịt lợn ở những nơi bảo đảm vệ sinh an toàn và phải có xác nhận kiểm dịch của thú y.
(Nguồn Sức khỏe & Đời sống)
Nguồn: http
://www.baomoi.com/Info/Dich-lon-tai-xanh-truoc-nguy-co-lan-rong/82/4247872.epi, 12/5/2010

Trang hiephoa.net được hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Mozilla Firefox và Google Chrome

Có thể bạn quan tâm