Sau gần 20 năm khởi nghiệp từ một khu đầm trũng, anh Trần Văn Vui, thôn Chúng, xã Đông Lỗ (Hiệp Hoà) đã xây dựng thành công trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Luôn trăn trở tìm hướng đi mới và có nhiều cách làm sáng tạo, gần đây, anh đứng ra thành lập doanh nghiệp và tiếp tục khai thác tiềm năng của đồng đất quê hương.
Trang trại của gia đình anh Vui nằm ven một khu đầm trũng ở thôn Chúng. Đang trong những ngày mưa dầm, đường vào trang trại bùn lầy tới mắt cá chân. Quần xắn ngang đầu gối, anh luôn chân luôn tay với hàng loạt công việc của nhà nông. Hết kiểm tra ao cá đến cho lợn ăn rồi ra đồng thăm lúa, qua khu lò gạch đàm phán giá cả với khách hàng… Dù đã là ông chủ một doanh nghiệp, lúc chính vụ thu hút hàng trăm nhân công nhưng anh vẫn tham công tiếc việc như những ngày đầu khởi nghiệp.
Khu nuôi trồng thủy sản của gia đình anh Vui.
Sinh năm 1970 trong một gia đình nghèo, đông con, từ nhỏ anh đã được cha mẹ giáo dục tính tự lập. Ở tuổi 17-18, chàng trai lặn lội đưa rau, quả từ Hiệp Hoà lên Thái Nguyên bán, lượt về lại mua chè giao cho nhiều cửa hàng ở quê. Năm 1993, vợ chồng anh quyết định làm ăn lớn. Nhận đấu thầu 16 mẫu ruộng trũng thuộc diện đất công ích trong thời hạn 8 năm, gia đình xây dựng mô hình lúa – cá. Anh kể: “Có rất nhiều người cấy lúa kết hợp nuôi cá đã thành công nhưng tôi thì thất bại ngay vụ đầu. Do mua phải giống kém lại thêm một trận lũ về bất thường nên lượng thóc thu được chẳng đáng là bao”. Mấy chục triệu đồng và bao công sức chìm nghỉm dưới đầm nước nhưng anh không nản chí, tiếp tục dồn vốn liếng, tâm huyết vào khu ruộng trũng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bốn năm sau, khi có tiềm lực kinh tế khá, anh mở rộng quy mô sản xuất. Cùng một lúc gia đình thuê 10 mẫu ruộng vùng ngoài đê lấy đất làm gạch, ngói, cấy lúa; nhận chuyển nhượng khu đất thổ cư rộng 3 mẫu để xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, đào ao. Để giảm chi phí đầu vào, anh Vui là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình trang trại tổng hợp ở Đông Lỗ. Toàn bộ phụ phẩm từ chăn nuôi lợn, gia cầm được đưa ra ruộng lúa và ao cá. Vài tấn thóc thu được mỗi vụ lại được nghiền làm thức ăn cho lợn, gia cầm. Phát triển trang trại theo hướng này mang lại hiệu quả kinh tế cao và hạn chế rủi ro, ngay cả khi gặp thiên tai hay giá sản phẩm chăn nuôi lên xuống thất thường. Chỉ tính riêng 1,8 mẫu mặt nước nuôi cá chuyên canh, vốn mua cá giống, bổ sung thức ăn tinh hết 10 triệu đồng mỗi năm song lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng. Cùng với chăn nuôi, lò gạch đôi công suất 50 vạn viên/lượt mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn, xóm…Lao động cật lực, đến hôm nay anh Trần Văn Vui đã gặt hái được những thành quả từ công sức của mình. Những năm gần đây, khi sản xuất dần ổn định, mỗi năm gia đình thu lãi 300-500 triệu đồng. Không dừng lại ở kết quả đó, cuối năm ngoái, anh đứng ra thành lập Công ty TNHH một thành viên Hùng Hiền để có tư cách pháp nhân mở rộng sản xuất, kinh doanh sang một số lĩnh vực khác.
Có được thành công như hôm nay, doanh nhân trẻ Trần Văn Vui đã phải vượt qua nhiều gian nan. Không chỉ có những “keo” thất bại về kinh tế mà có cả cú sốc lớn về tinh thần. Năm 1997, người bạn đời của anh mới 24 tuổi bị bệnh hiểm nghèo qua đời để lại hai con nhỏ và cả một trang trại bộn bề công việc. Vượt qua nỗi đau đó, anh vừa chăm lo nuôi dạy con vừa phát triển kinh tế. Vài năm sau, chính anh lại mắc bệnh nặng. “Ở quê chạy chữa một thời gian dài không đỡ, nghĩ rằng mình khó qua khỏi nên tôi vào Sài Gòn chơi một chuyến cho biết đó biết đây, lỡ mệnh hệ nào cũng đỡ tủi”. Tại đây, người em họ kiên trì cho uống nhiều loại thuốc và bồi bổ bằng cao ngựa. May mắn thay, bệnh tật lui dần…” Gần chục năm qua, anh đã lấy lại sức khoẻ, tinh thần lạc quan, trở lại lao động bình thường. Cũng chính từ câu chuyện của bản thân mà anh có hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh. Anh cho biết: “Tới đây, lò đun đốt gạch thủ công bị cấm hoạt động nên tôi chuyển dần nguồn vốn sang sản xuất cao ngựa. Mặt hàng này rất hữu ích đối với sức khoẻ, nhiều người có nhu cầu sử dụng nhưng khó tìm mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bởi vậy, tôi dự định sẽ sản xuất và bán ra thị trường sản phẩm cao ngựa đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chí về chất lượng, có đầy đủ nhãn hàng hoá…”. Hiện tại, Công ty TNHH một thành viên Hùng Hiền đang làm hồ sơ đăng ký với Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và dự kiến xây dựng nhà xưởng sản xuất cao ngựa trong thời gian tới. Theo anh Vui, tuy có nhiều dự định lớn để phát triển kinh tế song lượng vốn hạn hẹp là một lực cản không nhỏ. Ví như để sản xuất cao ngựa cần số vốn 1-2 tỷ đồng. Nhưng với cơ sở vật chất hiện có, doanh nghiệp chỉ thế chấp vay được khoảng 100 triệu đồng từ ngân hàng. Nếu có được đồng vốn như mong đợi, những doanh nhân trẻ ở nông thôn như anh sẽ có thêm cơ hội xây dựng mô hình mới, góp sức phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Thy Lan
Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/271/56345.bgo, 11/5/2010 | 7:38:51 Sáng