Trưa 18 tháng 4, một “quả bom” đã ném xuống khu vực cầu cạn Pháp Vân làm cho bao người dân bàng hoàng. Đó là việc một nhịp cầu dẫn Pháp Vân gãy gập. Đó đích thực là một “quả bom” ném xuống lòng tin của người dân.
Tối hôm qua thì đại diện chủ đầu tư đã chính thức thừa nhận với báo giới sập dầm cầu là do thi công bất cẩn!
Lâu nay, những người dân có lương tâm và trách nhiệm đã lên tiếng về những điều tồi tệ đang diễn ra trong đời sống và đồng thời cảnh báo một cách cấp bách về những điều có thể xẩy ra trong tương lai đối với nhiều vấn đề của đất nước. Thế nhưng, có một số người đã lên tiếng phê phán và đôi lúc quy chụp những giọng nói trung thực và có trách nhiệm với đất nước như thể họ là những người ” vạch áo cho người xem lưng” hay là có ý gây rối xã hội.
Quả thực, tôi không sao hiểu được tư duy và thái độ của họ nữa. Tôi phải nhắc lại một câu nói mà tôi đã từng đọc trên báo rằng : một con người hay một dân tộc mà không biết nói thật thì con người đó hay dân tộc đó đang bước về phía của sự suy tàn mà thôi.
Cho đến nay, chúng ta luôn phải chứng kiến những “quả bom” kiểu như “quả bom” gãy gập nhịp cầu cạn Pháp Vân. Cho dù không muốn nhắc lại thì chúng ta vẫn phải nhớ đến vụ cầu Cần Thơ, vụ cầu Thăng Long, vụ đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương…
Những chuyện tầy trời như thế xẩy ra mà chúng ta không lên tiếng thì nhân cách và trách nhiệm của chúng ta đối với đất nước đang giống cái gì ? Cho dù cầu Thăng Long đang chỉ là những vết nứt và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ là những đoạn lún, nhưng nó cho thấy những người trực tiếp có trách nhiệm quản lý những công trình đó hoặc là quá kém cỏi, hoặc là vô trách nhiệm và hoặc là ăn cắp những công trình này mà xã hội lâu nay gọi là ” rút ruột công trình”.
Thế nhưng, cuối cùng việc xử lý những người có lỗi trong những chuyện kia sẽ đi đến đâu ? Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì cầu Pháp Vân sẽ được đưa vào sử dụng. Và hãy tưởng tượng xem vào một ngày xấu trời, khi những chiếc xe đang bon bon chạy qua những dầm cầu kia thì chúng đột ngột gãy gập.
n
Trưa 18 tháng 4, một “quả bom” đã ném xuống khu vực cầu cạn Pháp Vân làm cho
bao người dân bàng hoàng. Đó là việc một nhịp cầu dẫn Thanh Trì gãy gập. Ảnh; VNN
Và chuyện gì sẽ xẩy ra ? Sẽ là hàng chục người bị vùi trong đống đổ nát ấy. Một kẻ giết người thường bị tù chung thân hoặc tử hình. Vậy một người phá hoại nền kinh tế đất nước và gián tiếp giết chết hàng chục người sẽ bị hình phạt như thế nào ? Hay chỉ là một bản kiểm điểm với một thông báo kiển trách, cảnh cáo, điều chuyển công tác ?
Kinh phí để xây dựng cây cầu Thăng Long, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, cầu Pháp Vân là bao nhiêu ? Xin thưa, một khối tiền khổng lồ. Cho dù tiền đó là tiền đi vay thì cuối cùng nhân dân trả nợ chứ không phải mấy ông trực tiếp xây những công trình “rởm” trả nợ.
Xin mấy ông mấy bà hay lên giọng đầy tính ngụy biện và nhiều lúc quy chụp hãy nhớ lấy điều đó. Xin các ông các bà hãy nhìn cho rõ tính chất nguy hiểm khôn lường của lối sống và thói làm ăn chụp giật và vô trách nhiệm. Lối sống và thói làm ăn ấy chỉ làm cho đất nước suy yếu mà thôi. Và sự suy yếu ấy có một phần đóng góp của những người ra vẻ có trách nhiệm với sự ổn định xã hội nhưng thực ra là những người ngụy biện và bao che cho những cái sai.
Cho dù việc lên tiếng của chúng ta về một số vấn đề của đất nước có thể không được để tâm tới hay mang lại một sự đổi thay nào, nhưng chúng ta không thể vì lý do đó mà im lặng. Bởi nếu chúng ta không lên tiếng về những những gì đang làm thiệt hại nền kinh tế đất nước và hư hại nhân cách của một dân tộc thì chúng ta cũng là đồng phạm với những kẻ gây ra những thiệt hại và hư hại ấy. Nếu sự lên tiếng của chúng ta không cứu vãn được những thiệt hại kinh tế quá lớn cho đất nước thì cũng cứu vãn được phần nào nhân cách của xã hội.
Và hỡi những người hay ngụy biện, xin hãy nhìn cho rõ sự thật!
Tác giả THẢO DÂN – http://tuanvietnam.net/2010-04-19-hoi-nhung-nguoi-nguy-bien-hay-nhin-cho-ro-su-that-