Nói chuyện với chị em cộng tác viên dân số thật vui. Tôi đề nghị Chị Nguyễn Thị Oanh, cán bộ chuyên trách công tác dân số xã Thường Thắng cho tôi biết một số nét về hoạt động công tác dân số của xã Thường Thắng trong quý I/2010.
Tôi chưa kịp mở sổ ghi chép, chị đã nói luôn một loạt số liệu. Tôi đùa vui: “Từ từ đã nào. Chưa kịp dở sổ ra mà đã “phóng” nhanh thế”. Hơn chục chị em cộng tác viên dân số có mặt cùng rộ lên cười, nói: Công tác dân số là thế đấy. Cứ “sờ” đến là “phóng” luôn, làm cả hội nghị cùng cười vui. Chị Hòa, cộng tác viên dân số thôn Thống Nhất nói vui: Lúa, ngô năng suất thì mừng, Dân số năng suất thì đừng…thi đua. Chị em chúng em làm thơ thế có được không anh? Tôi nói, các chị cứ làm thơ đi, CLB thơ sẵn sàng tiếp nhận, mời các chị tham gia CLB. Nhất là thơ viết về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình còn ít.
Chị Oanh tiếp tục cho tôi ghi số liệu của 2 ngày chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình với những nội dung ngắn gọn: Khám 223/242 ca = 92,14%; điều trị 142/169 ca = 84%; siêu âm 13/13 ca = 100%; soi tươi 75/75 ca = 100%; đặt vòng 69/89 ca = 77,5%; uống thuốc tránh thai (thuốc mới) 39/122 ca =32%; dùng bao cao su 26/90 = 29%; tiêm thuốc tránh thai 50%; hội nghị 1 buổi có 68 người dự; cổ động 1 buổi có 380 người tham gia; tổ chức văn nghệ tuyên truyền 1 buổi, 20 tiết mục có đến gần một nghìn người xem; gọi loa 40 lần; vận động tại hộ 600 lượt hộ.
Tính cả quý đã tổ chức 4 hội nghị, có 165 người dự; sinh hoạt CLB nhỏ 12 lần, có 600 người dự; vận động tại hộ: 846 lượt hộ; sinh 44 cháu,có 6 trường hợp sinh con lần 3 =13,6%; tử 18 người;… Những con số chính xác đã nói đủ những hoạt động của công tác dân số, của đội ngũ cộng tác viên dân số xã Thường Thắng.
Lúc này chị em đang nhận thuốc, bao cao su… những thứ cứ tạm gọi là “vật dụng” của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình của thôn mình đề tiếp tục các hoạt động gọi là của quý II. Các chị bày cả thuốc lên bàn. Tôi tranh thủ chụp mấy kiểu ảnh. Các chị thi nhau nói: Anh chụp ảnh đưa chúng em lên báo nhé. Chúng em làm vất vả mà báo chí chả động viên gì. Tôi bảo các chị cứ làm tốt đi, tôi sẽ đề nghị Ban Biên tập hiephoa.net đưa lên mạng Intenet để cả nước, thậm chí cả thế giới biết đấy.
Chị Nguyễn Thị Lý, cộng tác viên dân số thôn Đường Sơn đọc hai câu thơ: “Công tác dân số, gia đình – Khó khăn vất vả thiệt mình mà vui”. Tôi hỏi chị sao lại thiệt. Các chị cùng kể: phụ cấp có 50.000đ một tháng mà phải đi cả trưa, cả tối, có khi phải theo ra tận đồng, vừa làm hộ, vừa tỉ tê, to nhỏ. Có người họ còn mắng cho. Họ bảo: “Tôi đẻ tôi nuôi, nhà nước có cho tôi cái gì đâu mà lo; mà cũng bấn gì đến nhà chị mà chị phải lo…”. Họ cáu mà mình vẫn phải cười. Có người họ còn không tiếp, khi đến nhà, họ cứ để mặc cho chó xông ra cắn. Có đối tượng khi vận động được, phải dùng xe đèo họ đến Trạm xá rồi lại đèo về. Với nhà mình, có chị phải “lịnh” ông bế cháu để đưa con dâu đi “kế hoạch”. Còn vui là khi vận động được các đối tượng thực hiện kế hoạch, nhất là đối tượng không sinh con thứ 3. Đây là đối tượng khó kăn nhất, đặc biệt là những gia đình sinh con một bề. Những năm gần đây, tai nạn xe máy nhiều. Có gia đình 2 con, bị tai nạn chết hoặc tàn tật mất một, đã nẩy sinh tâm lý muốn có thêm con, 3 con, thậm chí 4 con. Công tác vận động của cộng tác viên dân số càng thêm vất vả. Vui nhất là không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên thì thôn dễ đạt Làng Văn hóa. Các chỉ tiêu khác thì dễ phấn đấu hơn.
Vào hội nghị sơ kết, có đủ các thành phần của Ban dân số xã cùng các cộng tác viên , chị Nguyễn Thị Oanh báo cáo tất cả các số liệu chị đã cung cấp cho tôi. Đến phần bình xét thi đua, lấy hai chỉ tiêu số người đặt vòng và số người đi khám trong chiến dịch làm nội dung chấm điểm thi đua. Có 5/13 thôn vượt chỉ tiêu. Thôn Tiến Bộ: 6/4 và 17/14; thôn Dinh Đồng: 10/8 và 27/20; thôn Đường Sơn: 5/4 và 20/14; thôn Chợ Thường: 3/2 và 10/10; thôn Tân Tiến: 6/5 và 16/15. Hội nghị thống nhất đề nghị khen cả 5 thôn và 2 chị Nguyễn Thị Thu, thôn Tiến Bộ, Nguyễn thị Mai thôn Dinh Đồng.
Tôi hỏi chị Oanh, kinh phí khen thưởng có bao nhiêu. Chị bảo có 300.000đ. Đợt này chỉ bình xét thôi. Cuối năm mới khen thưởng. Nghe mà ái ngại. Tính cả Ban Dân số và cộng tác viên gồm 28 người mà chỉ có 300.000đ khen thưởng cả một năm cho một nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Thế nhưng chị em rất vui, tự động viên nhau là “Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”.
Từ hôm bắt đầu chiến dịch, tôi đã ghi lại một số hình ảnh hoạt động của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số kế hoạch hóa gia đình ở xã Thường Thắng. Xin giới thiệu cùng bạn đọc và cũng là để động viên phong trào địa phương.
Nguyễn Thế Tính, 16/4/2010