Trang chủ » PHỐ THẮNG NGÀY ẤY

PHỐ THẮNG NGÀY ẤY

bởi unexpress
 
Nhà tôi cách Thắng 8 km, vậy mà mãi đến năm 1962 khi học lên cấp 3 tôi mới thật sự biết Phố Thắng. Nửa thế kỷ rồi  mà ấn tượng về Phố Thắng ngày ấy vẫn như còn nguyên vẹn trong tôi.
Ở những vùng quê thuần nông như Hiệp Hòa mình chỉ cần có dăm bẩy nhà ở ven đường mở cửa bán hàng thì đoạn đường đó đã có thể được gọi là Phố rồi. Hồi kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) dân Nam phần (Bắc Ninh) chạy tản cư lên Hiệp Hòa rất đông, họ chẳng có ruộng nương vườn bãi nên hầu như tất cả đều sống bằng chạy chợ, Ấy vậy là xuất hiện cả loạt phố như phố Bầu, phố Hoa, phố Lữ… Cái  tên Phố Thắng có lẽ cũng xuất hiện vào giai đoạn này; trước đây người ta chỉ gọi Thắng là Huyện, vì Thắng là huyện lỵ có huyện đường.
Tuy lớn hơn những “phố” lẻ nhưng phố Thắng thời tôi biết rất nhỏ bé. Nơi gọi là phố chỉ là đoạn đường từ bưu điện ngược lên đến hết chợ Thắng cũ. Chỗ đông vui hơn là đầu phố dưới, có ngã 5 (hồi đó chưa có ông tượng) và đầu phố trên có chợ và cửa hàng Bách hóa. Nghe nói trước đó phố Thắng đông đúc và sầm uất hơn, phố kéo lên tận Bãi má rẽ sang Trại cờ. Hòa bình lập lại dân tản cư hồi hương gần hết, lại có chính sách cải tạo tư thương, những người buôn bán phải vào hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã thủ công nên phố xá trở nên sơ xác, nửa như phố nửa như làng, ngày mùa người ta còn phơi cả rơm rạ ra đường nữa.
 
 
 
Đáng kể ở đầu phố dưới là cửa hàng tổng hợp ăn uống, nơi bây giờ là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dân ta gọi tắt là tổng hợp. Gọi thế cho có vẻ phong phú chứ ở đấy chỉ bán phở, bán chè, đôi khi có bán cả nước giải khát siro, mấy gian nhà cấp bốn khói than đen nhẻm khách ăn phải ngồi cả ra ngoài sân, nơi có hai cây phượng xum xuê.  Khi đó chỉ có hai ba hào một bát phở mậu dịch nhưng có tiền ăn phở là sang rồi, chẳng thế có người làng tôi lần nào lên Thắng về cũng say sưa kể chuyện vào tổng hợp ăn phở, khối người nghi ngờ ngữ ấy nói phét. Loại học trò nghèo như bọn tôi mỗi lần đi qua “tổng hợp” có đưa mắt vào cũng chỉ là tò mò ngắm mấy cô nhân viên bán hàng mặc tạp dề trắng vênh vang đi lại; chẳng khác gì các bạn trẻ bây giờ say mê ngắm các ‘sao” trên sàn diễn. Có thể nói tất cả ngành dịch vụ ăn uống của huyện ta thời ấy chỉ có cửa hàng ăn uống này. Vì lương thực thực phẩm là thứ mà nhà nước quản lý chặt nên những hàng phở Chiếu, phở Cộng đồng ở đối diện “tổng hợp”, một thời nổi tiếng cả khu 3 cũng dẹp bỏ hết, hàng bún hàng bánh làm từ gạo đều không còn được bán.
Nhà bưu điện xưa vẫn ở vị trí bây giờ, nó chỉ là ba gian nhà ngói móc núp dưới tán lá cây gạo tây, xung quang có hàng rào nứa, đầu nhà nhô lên đôi cột điện bằng sắt cũ kỹ bám vào rất nhiều xà xứ, dây thép.  Thi thoảng mới thấy bóng người vào thả lá thư, mua con tem hoặc đánh bức điện, phần lớn là bộ đội từ doanh trại xuống.
Cửa hàng bách hóa ở đầu trên của phố Thắng là cửa hàng mậu dịch to nhất huyện, lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Hình như người dân đã lên đến Thắng thì đều phải đảo qua của hàng bách hóa cũng giống như về đến Hà nội phải ghé Bách hóa tổng hợp vậy (nay là Tràng tiền Plaza). Có lẽ ngắm hàng hóa cũng là một thú vui (giống cái thú shoping bây giờ), chứ ngày ấy bách hóa toàn hàng mẫu có gì mua được đâu, hàng hóa thiết yếu đều đã phân phối về xã được bán theo sổ ở cửa hàng cung tiêu rồi. Lớp người ở tuổi chúng tôi rất quen với dòng chữ: “bán phân phối”; “bán tự do” được ghi trên những mảnh bìa đặt cạnh hàng hóa trong tủ hàng mẫu của mậu dịch. Bây giờ nghĩ lại những dòng chữ ấy mới chợt nhận ra rằng: Hóa ra có những câu chữ mang tính thời đại thật sự. Không có từ ngữ nào đắt giá hơn  cặp từ ấy để ám chỉ  cả một giai đoạn lịch sử chúng ta xây dựng nền kinh tế kế hoạch tập trung. Nếu từ điển lịch sử kinh tế không ghi lại và giải thích kỹ, tôi dám chắc người Việt ta các thế hệ sau chúng tôi sẽ không bao giờ hiểu được và dùng đến cặp từ tưởng như tối nghĩa này.
Tôi trọ học ở Dinh Hương nhưng thỉnh thoảng mấy anh em cũng rủ nhau lên Bách hóa. Lần nào lên chúng tôi cũng ngắm nghía, bình phẩm cái xe đạp favorit của Tiệp màu đỏ được dựng trang trọng trong cái tủ kính bày cao ngang mặt người ngay cửa ra vào của của hàng. Nếu tôi không nhớ nhầm thì giá của nó hơn 500 đồng với điều kiện người mua phải có phiếu bán cho mậu dịch hai tạ lợn. Nếu tính cả giá chênh lệch bán lợn giá rẻ cho mậu dich thì giá của cái xe đạp khoảng 800 đồng . Nhớ rằng lúc đó lương của một kỹ sư chỉ là 65 đồng mỗi tháng. Tôi muốn kể ra chi tiết này để các bạn trẻ có thể so sánh hình dung  được đôi điều về đời sống kinh tế lúc bấy giờ.
Dưới cửa hàng Bách hóa một đoạn là Hiệu sách nhân dân, sách chẳng có nhiều nhưng lúc nào cũng đông khách, toàn  bộ đội và học sinh. Thời ấy chúng tôi thích đọc, phải chăng phương tiện giải trí quá nghèo nàn chỉ còn biết đọc sách, mà đã đọc rồi thì nghiện. Tôi trọ học ở nhà cậu nên ngoài việc góp gạo cho mợ tôi không phải nộp tiền thức ăn, thỉnh thoảng mẹ tôi cho đồng bạc tôi toàn dành dụm để mua sách. Tôi đã mua “Thép đã tôi thế đấy” , “Bài ca tuổi trẻ”, “Sóng gầm” “Ba mươi năm đời ta có Đảng”…bằng những đồng tiền ít ỏi đó. Đọc xong trao đổi sách với bạn, thế là được đọc rất nhiều. Những người bạn sách của tôi hầu hết ở phố Thắng, họ có tiền, có thời gian và cũng nghiện sách. Chơi với các bạn ở phố, tôi còn được tiếp cận với radio, máy hát (máy quay đĩa cổ chạy bằng dây cót) ; với một trai làng như tôi những thứ đó thật xa lạ. Các bạn trẻ ngày nay hẳn không tin được, nhưng thời ấy nghe đài là một sự hưởng thụ sang trọng đấy, chẳng thế người ta đi ra đường cũng đeo theo cái đài, đi đến đâu cái đài nheo nhéo đến đó, người đeo đài đi xe đạp là người khá giả rồi. Ông chủ hiệu may lớn nhất phố Thắng bấy giờ là bạn thân của cậu tôi, lần nào xuống Ba Mô chơi với cậu cũng đeo cái đài Philips to đùng, tự hào lắm, cái đài ấy tuy tốn pin ( 6 quả pin con thỏ – 9 von) nhưng được cái nói to. Ông ấy mà xuống vào buổi trưa có chương t
rình hát chèo thì cả xóm chạy sang nghe.
Những năm đó có quan niệm rằng buôn bán chẳng giúp ích gì, không tạo ra sản phẩm cho xã hội, vì thế tư thương trở thành đối tượng cần được cải tạo, các cửa hàng buôn bán hàng hóa phải đóng cửa. Dọc theo phố Thắng chỉ còn các cửa hàng được coi là cơ sở sản xuất như: may vá, sửa xe đạp, cắt tóc, làm dép lốp, làm mũ, hàn thiếc, nhuộm quần áo…được mở cửa hành nghề; các cửa hàng buôn bán có lẽ chỉ còn hàng nước. Rồi những người sản xuất cũng vào các hợp tác và thế là phố Thắng xuất hiện hợp tác xã May mặc, hợp tác xã Nhuộm, hợp tác xã cắt tóc, hợp tác xã chụp ảnh…và thành công nhất là hợp tác xã xe bò Liên minh, có trụ sở ở gần ngã tư đường lên doanh trại.  Cái xe bò thời đó có bánh gỗ to đùng, bít đai sắt, do hợp tác tự đóng lấy. Vừa qua đến nghỉ ở một resort tôi thấy họ để một cái xe bò bánh gỗ còn nguyên vẹn trên thảm cỏ nhung làm vật trang trí, Tôi tò mò đến tận nơi xem có đúng là hiện vật thật không, đứa cháu tôi đã học lớp 4 hỏi thản nhiên: “Ông ơi đây là cái gì?” Giải thích cho cháu xong tôi nói với bố nó: đã có lúc mười mấy cái xe bò như thế này là tất cả phương tiện vận tải kinh tế ở huyện Hiệp hòa mình đấy con ạ!
Công việc quanh năm của hợp tác xe bò là chở hàng mậu dịch từ Huyện về các xã: vải vóc, giấy vở, dầu muối, phân đạm, thuốc sâu… Tiền công chở theo giá quy định của Nhà nước chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cái được là được quan hệ thân tình với các cửa hàng, với mậu dịch viên. Mỗi chuyến đi xã các bác tài xe bò lại xin được mua thứ này thứ khác, hoặc “hàng vỡ hàng hỏng” , thời buổi  gạo châu củi quế như thế mua được hàng phân phối là tươm rồi. Thế nên cái chân xã viên hợp tác xã xe bò hóa ra quý. Cậu tôi trước cải tạo tư thương có hai xe ngựa chở khách Thắng – Sen hồ, lúc vận động vào hợp tác xe bò không thèm vào, sau cứ tiếc mãi.
Đường phố Thắng khi ấy là đường đất có rải lớp sỏi mỏng, người ở quê quen gọi là “đường cấp phối”. Mỗi khi trời mưa nước đọng từng vũng, lại được bánh gỗ xe bò cày nát. Cũng may là thời đó hầu như chỉ có xe đạp, cả ngày mới có một vài chiếc ô tô quân sự đi qua nên đường phố rộng  nhưng luôn hình thành lối mòn ngoằn ngoèo của vết xe đạp tránh các vũng nước giữa đường. Phố Thắng ở đỉnh đồi nên rãnh thoát nước ven đường thường bị nước mưa sỗi mòn sâu hoắm trơ ra lớp đất đỏ trai lỳ nhẵn thín. Dãy nhà mặt phố phần nhiều là nhà cấp 4 liền kề, mặt tiền rộng rãi, cửa nhà nào cũng có cây phượng hoặc cây gạo tây xanh ngắt. Tôi rất thích ngắm phố sau mưa rào, đường và cây cối được gột rửa sạch sẽ, cây như thấp xuống che phủ những mái ngói rêu mốc, yên ả và thanh bình đến nao lòng. Tôi rất hay liên tưởng phố Thắng với những khu phố kháng chiến được nhắc tới trong Ký sự Cao lạng của Nguyễn Huy Tưởng; mà còn lãng mạn hơn thế ở chỗ những người dân sinh sống  nơi đây đa số là người Bắc Ninh, người dân của một vùng đất văn hóa đặc biệt, ai cũng sắc sảo giỏi giang, đẹp người, đẹp nết.  
    
     
 Nguyễn Thanh Khiết, 30/3/2010

Có thể bạn quan tâm