Cứ ngỡ đình, chùa là nơi linh thiêng nhất, không ai dám xâm hại hay lấy cắp bất kỳ đồ vật gì ở đó. Thế nhưng, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh kẻ trộm liên tục đột nhập vào một số ngôi đình, chùa cổ kính để “ẵm” đi những pho tượng và đồ thờ quý giá.
Chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng) nơi đã từng bị kẻ trộm lấy cắp một số pho tượng cổ.
Như thường lệ, đêm ngày 11-3 vừa qua trước khi đi ngủ, ông Dương Văn Đường – người được Hội người cao tuổi thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến (Yên Dũng) giao trông coi ngôi chùa mang tên Phúc Sơn lại đi kiểm tra toàn bộ ngôi chùa. Khoảng 3h20′ rạng sáng ngày 12-3, ông Đường chợt tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng xe ô tô chạy qua cổng chùa. Linh tính báo cho ông điều chẳng lành. Ông vội cầm chìa khóa ra mở cửa chùa. Thật bất ngờ, ông phát hiện thấy bức tường phía đông của ngôi chùa đã bị đục thủng một lỗ lớn. Không tin vào mắt mình, ông nhanh chóng báo tin cho một số người già trong thôn. Qua kiểm tra, ông Đường và mọi người ngỡ ngàng khi biết chùa đã bị mất 3 pho tượng Tam Thân Tam Thế. Đây là những pho tượng cổ quý hiếm được làm bằng gỗ có niên đại từ thế kỷ 18. Tượng ở tư thế ngồi. Mỗi pho tượng cao 80 cm, vai rộng 28 cm, vòng tròn gối là 40cm.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo thôn Văn Sơn đã trình báo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Theo nhận định của nhiều người, để vận chuyển 3 pho tượng lớn này kẻ trộm phải dùng xe ô tô với số đông người tham gia. Điều lạ, mặc dù nơi ông Đường nằm nghỉ chỉ cách chỗ bức tường bị đục chừng 6-7 m. “Tôi cao tuổi rồi nên khó ngủ lắm, thậm chí con chuột chạy qua còn biết. Chẳng hiểu sao lần này lại không biết tí gì. Có lẽ tôi đã bị trúng thuốc mê của kẻ trộm”, ông Đường băn khoăn.
Điều đáng tiếc là vụ mất trộm tượng phật diễn ra trước mấy ngày thôn Văn Sơn tổ chức lễ hội truyền thống và đón bằng công nhận di tích cấp tỉnh cho ngôi chùa này. Ông Trần Minh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến nói: “Đáng tiếc đây là lần thứ 3 chùa Phúc Sơn bị trộm cắp cổ vật. Hai lần trước vào đầu năm 2005, kẻ trộm đã cậy cửa, đục tường lấy đi 9 pho tượng cổ bằng gỗ được làm cách đây hơn 200 năm”.
Thực tế, mấy năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra không ít vụ kẻ trộm đột nhập vào đình, chùa để lấy cắp những cổ vật quý giá. Theo kết quả tổng hợp của Văn phòng Công an tỉnh, từ đầu năm 2009 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ mất cắp cổ vật, đồ thờ cúng ở các đình chùa. Đơn cử như vụ mất 10 pho tượng cổ ở chùa Cao Lôi, xã Ninh Sơn (Việt Yên); mất 1 pho tượng ở chùa Thượng Lát, xã Tiên Sơn (Việt Yên); hay mất một số sắc phong và đồ thờ cúng ở đình làng Vạn Thạch, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) và đặc biệt kẻ trộm đã cả gan đột nhập vào chùa Bổ Đà linh thiêng có niên đại ngót nghét nghìn năm tuổi để lấy đi 6 pho tượng cổ được làm từ thế kỷ 17. Gần đây nhất, theo người dân trình báo trong tháng 3-2010, kẻ trộm đã lấy đi 2 pho tượng ở chùa Linh Sơn, xã Lão Hộ và 3 pho tượng cổ ở chùa Phúc Sơn, xã Tân Tiến (Yên Dũng). Có một điều trùng lặp khó hiểu là hầu như các vụ mất trộm cổ vật trên đều diễn ra vào mùa lễ hội tháng Giêng, Hai và ở những ngôi chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử hoặc vừa được xếp hạng! Chắc chắn đối tượng tham gia trộm cắp rất am hiểu về giá trị các cổ vật ở những di tích này.
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên trước hết là do tâm lý chủ quan của không ít chính quyền địa phương và người dân trong công tác bảo vệ những di tích lịch sử. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, đình chùa là nơi linh thiêng không ai dám xâm hại, lấy cắp bất kỳ vật gì, nhất là các tượng phật và đồ thờ cúng. Bởi vậy, việc bảo vệ những cổ vật ở đây chưa được quan tâm đúng mức. Có nơi thì cử người trông coi thường xuyên, có nơi lại không, chỉ vào ngày tuần rằm hay lễ hội mới lui tới. Trong khi đó, nhiều đình chùa nằm ở xa nhà dân và đã bị xuống cấp, tường bảo vệ và cánh cửa không an toàn rất dễ cho kẻ trộm đột nhập.
Vấn đề bất cập hiện nay là mặc dù các địa phương có di tích đều đã thành lập ban quản lý di tích theo Chỉ thị số 07/CT-CT ngày 21-6-2001 của Chủ tịch UBND tỉnh, song hiệu quả hoạt động của bộ máy này chưa cao. Ông Nguyễn Hữu Tự, Giám đốc Ban quản lý Di tích tỉnh (Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch) cho biết: “Cơ chế chính sách để giúp ban quản lý di tích ở các địa phương hoạt động vẫn chưa rõ ràng. Việc chi trả chế độ cho người trông coi bảo vệ di tích gặp khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác bảo vệ các di tích ở nhiều nơi bị xem nhẹ”.
Có một thực tế, hầu hết các vụ mất trộm cổ vật trên lại chưa tìm được thủ phạm để trừng trị trước pháp luật. Đây cũng là yếu tố khiến cho tính răn đe trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này chưa cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.200 di tích, trong đó hơn 400 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Những cổ vật ở các di tích này có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và văn hóa. Chúng không chỉ là tài sản đơn thuần của cộng đồng ở địa phương mà là tài sản quý báu của quốc gia cần được bảo vệ. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân nâng cao ý thức giữ gìn các cổ vật ở những di tích cần được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nên có kế hoạch cụ thể cho công tác bảo vệ các di tích lịch sử văn hoá. Trong đó, quy định rõ chế độ thích hợp cũng như gắn trách nhiệm cụ thể cho những người liên quan. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác điều tra, truy tìm thủ phạm để không bị chảy máu cổ vật.
Đỗ Thành Nam, http://baobacgiang.com.vn/18/54025.bgo, 22/3/2010
Hiephoa.net đăng lại 23/3/2010