Cập nhật: Thứ năm, 18/3/2010 | 8:11:14 Sáng
Thầy giáo Dương Mạnh Trí cùng các em học sinh Trường THPT Hiệp Hoà số 3
|
Hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, những năm qua ngày càng có nhiều cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh tích cực tìm tòi, sáng tạo trong chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Năm 1999, tốt nghiệp khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, vừa tròn 22 tuổi, thầy giáo trẻ Dương Mạnh Trí được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Hiệp Hoà số 3. Hơn 10 năm trong nghề, lúc nào thầy Trí cũng mang trong mình suy nghĩ làm gì để đổi mới phương pháp dạy học của thầy và thái độ học tập của trò, để giờ học thoải mái và nhiều ý nghĩa hơn… Là người luôn đam mê tìm tòi, học hỏi và sớm nhận thức được vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, thầy Trí đã dồn hết “vốn liếng” của một giáo viên mới vào nghề để mua một chiếc máy vi tính. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, thầy Trí lại mày mò tự mình nâng cao trình độ tin học. Với vốn kinh nghiệm nghiên cứu, sử dụng phần mềm Toán học và phần mềm hỗ trợ dạy học trong nhiều năm, năm 2007, cùng với một đồng nghiệp khác trong trường, thầy giáo Dương Mạnh Trí đã nghiên cứu thành công đề tài khoa học cấp ngành có tên “Thư viện hình học động” để trợ giúp giáo viên dạy Toán theo chương trình THPT phân ban trong tỉnh. Đây là phần mềm rất hữu ích đối với các giáo viên dạy môn Toán, có ưu điểm nổi bật là khắc phục được tính chất “tĩnh” trong hình học thông thường, giúp học sinh dễ tưởng tượng và tiếp thu bài nhanh hơn. Đến nay, đề tài đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các trường THPT.
Không dừng lại ở những thành công trên, năm học 2008-2009, vừa kịp “làm quen” với công tác quản lý mới mẻ khi được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Hoà số 3, thầy giáo Dương Mạnh Trí lại bắt tay vào một đề tài mới có tên “Xây dựng chương trình máy tính trợ giúp giáo viên quản lý tư liệu và tổ chức bài giảng trên máy tính”. Về ý tưởng của đề tài này, thầy Trí cho biết: “Năm học 2008-2009 có chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới cơ chế quản lý tài chính”, song thực tế lại cho thấy ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nảy sinh nhiều bất cập. Một trong những “điểm yếu” cần khắc phục đó là giáo viên tuy đã được nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, có thể tạo ra và sưu tầm được nhiều tư liệu quý phục vụ bài giảng của mình nhưng việc quản lý hệ thống tư liệu này một cách khoa học và sử dụng hiệu quả, có ích cho người học lại chưa được phát huy”. Xuất phát từ điều này, phần mềm “Xây dựng chương trình máy tính giúp giáo viên quản lý tư liệu và tổ chức bài giảng trên máy tính” đã được hình thành. Sau 6 tháng thực hiện, thầy Dương Mạnh Trí đã hoàn thành đề tài và được Hội đồng Khoa học Sở Giáo dục và Đào tạo nghiệm thu, triển khai ở một số trường học trên địa bàn tỉnh năm học 2009-2010. Là người không ngừng học hỏi, sáng tạo, năm học 2009-2010, dù bận rộn với công việc quản lý và lớp Cao học Toán ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, song thầy giáo Dương Mạnh Trí vẫn đang ấp ủ một đề tài nghiên cứu khoa học có tên “Xây dựng hệ thống hàm bằng ngôn ngữ lập trình Violet Script, mô phỏng thao tác vẽ hình hỗ trợ giảng dạy hình học THCS bằng phần mềm Violet”. Đề tài hứa hẹn sẽ là một “thư viện” hình học động, hỗ trợ giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy trong các trường THCS.
Cũng đam mê sáng tạo và trách nhiệm với công việc của mình như thầy giáo Dương Mạnh Trí, cô giáo Trần Thị Khánh Vân, Trường THCS Hương Gián (Yên Dũng) lại luôn trăn trở với suy nghĩ làm gì để nâng cao chất lượng dạy và học môn Văn trong các nhà trường. Thực tế hiện nay một số học sinh không thích học Văn và yếu kém về năng lực cảm thụ văn chương. Điều đó được thể hiện qua những giờ học ở lớp và qua những bài kiểm tra, bài thi khiến các thầy cô chấm bài phải “cười ra nước mắt”. Tuy nhiên, theo cô Khánh Vân, một phần nguyên nhân tình trạng ấy không xuất phát từ học trò mà còn từ phía thầy cô giáo. Theo phản ánh của không ít học sinh thì các giờ lên lớp của thầy, cô giáo dạy Văn chưa tạo ấn tượng cho các em. Là một giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm, được tham gia bồi dưỡng nhiều “lứa” học sinh giỏi, cô giáo Khánh Vân đã thực hiện thành công đề tài “Một số kinh nghiệm nâng cao hiệu quả giờ dạy và học Văn”. Đề tài đã đưa ra nhiều kinh nghiệm quý trong việc giảng dạy môn Văn trong các trường học như: việc xác định thể loại và cách tiếp cận văn bản, xây dựng hệ thống câu hỏi, đa dạng hoá các phương pháp và hình thức dạy học… Đặc biệt là nghệ thuật của người thầy trong vai trò hướng dẫn học sinh cảm thụ văn chương. Qua đây khơi gợi học sinh sự hứng thú, say mê, có nhu cầu khám phá những cái hay, cái đẹp trong tác phẩm văn chương; có tình cảm, thái độ đúng đắn trước những con người, sự việc, vấn đề mà tác phẩm văn chương đó phản ánh… Đề tài của cô Khánh Vân đã được vận dụng trong nhiều giờ dạy, học Văn ở các trường THCS được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực.
Qua tìm hiểu được biết, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm kinh nghiệm, đề tài các cấp do đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện và được ứng dụng trong các nhà trường. Tâm huyết với nghề nghiệp và trách nhiệm với các em học sinh, không ngừng học hỏi, đó chính là những động lực thúc đẩy niềm đam mê sáng tạo của các thầy, cô giáo, qua đó đã góp ph
ần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục – đào tạo hiện nay.
Quỳnh Hương-http://www.baobacgiang.com.vn/268/53892.bgo
|