ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 – 5 HÀ NỘI
Yêu cầu phát triển vùng Thủ đô
(Banduong.vn) – Bộ GTVT vừa họp kiểm điểm việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 và 5 tại Hà Nội. Đây được coi là hai vành đai ngoài cùng tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, liên kết cao của Hà Nội, phù hợp với quy hoạch điều chỉnh vùng Thủ đô.
1. Xác lập “Vành đai xanh”
Mục tiêu chính về mặt giao thông của đường vành đai 4 là liên kết các đô thị vệ tinh mới như: Hòa Lạc, Xuân Mai, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chúc Sơn và tiếp tục kế thừa, phát triển những đô thị cũ như: Sơn Tây, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh. Theo ông Phạm Hữu Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đến nay, đơn vị tư vấn thiết kế đã cơ bản thống nhất về hướng tuyến với UBND Tp. Hà Nội và cũng đã có các cuộc làm việc với các địa phương còn lại như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Về hướng tuyến, tuyến đường này có điểm đầu và điểm cuối trùng nhau tại Km 1+451 trên đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) tạo thành vành đai khép kín. Tuyến đường này đi qua địa phận của 14 huyện thuộc 4 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông), Hưng Yên (Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm), Bắc Ninh (Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành, Tp. Bắc Ninh), Bắc Giang (Hiệp Hòa). Theo thiết kế, quy mô vành đai 4 gồm đường cao tốc 6 làn xe, tương đương với đường Láng – Hòa Lạc hiện tại, cùng 3 cầu gồm cầu Hồng Hà qua sông Hồng, cầu Mễ Sở, cầu qua sông Đuống và các nút giao cắt lập thể. Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 58.000 tỷ đồng và chiếm 1.280 ha đất.
Cũng theo ông Phạm Hữu Sơn, điểm băn khoăn còn lại đến thời điểm này của dự án là việc có tiếp tục triển khai đoạn vành đai qua địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) dài khoảng 39km hay không? Nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần giới hạn đường vành đai 4 bằng QL18 đã có sẵn mà không cần mở rộng sang địa phận tỉnh Bắc Giang bởi ở phạm vi này đã có tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đi qua. Việc kéo dài thêm gần 40km về hướng Bắc là không cần thiết và tốn kém. Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến cho rằng, việc đầu tư xây dựng đoạn đường này sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội hai bên bờ sông Cầu vốn đang ở tình trạng phát triển thấp.
Liên quan đến việc lập dự án đầu tư đường vành đai 4, ông Chu Mạnh Hùng – Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho rằng: Cơ quan tư vấn thiết kế cần chú ý đến việc thiết lập một “vành đai xanh” để bảo đảm vấn đề môi trường và cảnh quan cho Thủ đô. Đây là điều mà bất cứ thành phố phát triển nào trên thế giới khi quy hoạch, phát triển đều phải có. Hai lá phổi xanh là sông Hồng và “vành đai xanh” mở rộng dọc theo sông Nhuệ sẽ tách biệt vành đai 3 với chuỗi đô thị mới kéo dài theo hướng Bắc Nam của vành đai 4. Như vậy giữa 2 vành đai 3 và 4 sau này sẽ là một vành đai phát triển với khoảng 1,9 triệu dân.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã giao TEDI tiếp tục nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng. Dự án phải xem xét, bổ sung một số yếu tố như phương án tổng thể tác động môi trường – xã hội, cân đối lại kinh phí đầu tư. Bên cạnh đó yêu cầu trong tháng 4/2010 phải có báo cáo cuối kỳ để có thể phê duyệt dự án đầu tư trong năm nay.
2. Vành đai 5 – Biến ý tưởng thành hiện thực
Khi Hà Nội chưa mở rộng, đường vành đai 5 chỉ dừng lại ở ý tưởng của các nhà thiết kế với mục tiêu phát triển giao thông liên vùng, giảm thời gian đi lại, giảm TNGT và áp lực về giao thông cho Hà Nội. Vành đai 5 được coi là đường vành đai tiếp cận vùng, dự kiến chiều dài 335km, quy mô đường cấp I và cấp II, đi qua 8 tỉnh thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) và có vai trò là đường thuộc mạng lưới giao thông quốc gia liên kết các khu vực, đô thị trung tâm xung quanh Thủ đô.
Theo báo cáo của TEDI, hiện cơ quan tư vấn đang triển khai lập báo cáo dự án đầu tư, dự kiến trong năm nay sẽ thực hiện thỏa thuận hướng tuyến với các địa phương để cuối năm hoàn thành báo cáo khả thi trình cấp thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư. Về quy mô, tuyến đường này sẽ đạt tiêu chuẩn cấp I trở lên với 4 – 6 làn xe, có chiều dài 335km với kinh phí đầu tư lên tới gần 300.000 tỷ đồng. Theo đơn vị tư vấn thiết kế, điều băn khoăn đối với dự án này chính là việc có kết nối đường vành đai 5 với hầm Tam Đảo hay không bởi đây là vấn đề khá nhạy cảm về mặt hóa cũng như việc bảo đảm môi trường du lịch.
Chỉ đạo về tiến độ dự án đường vành đai 5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu TEDI khẩn trương thực hiện việc thiết kế dự án để sớm có báo cáo đầu kỳ; từ nay đến cuối năm 2010 phải hoàn thành việc phê duyệt dự án để kịp thời đáp ứng yêu cầu của Chính phủ đã đặt ra đối với riêng dự án này.
Tiến Mạnh
Nguồn: http://banduong.vn/module/news/viewcontent.asp?id=10480&langid=2, 16/3/2010