Trang chủ » Sức sống mới Tân Thịnh [523]

Sức sống mới Tân Thịnh [523]

bởi unexpress
 
Có một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng, điểm tận cùng của huyện Hiệp Hòa, giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên. Nơi ấy, rặng tre xanh chạy vòng quanh ôm trọn lấy ngôi làng với những câu chuyện về những người phụ nữ đơn thân. Ở đó đang bật dậy một sức sống mới – đó là những đứa con của họ đã và đang trưởng thành tiếp thêm sinh lực cho làng quê này.
Men theo lối mòn của những bờ ruộng, chúng tôi tới thôn Tân Thịnh (xã Đồng Tân) vào một ngày nắng đẹp. Trước đây, toàn khu này là đồi, bãi trồng ngô, sắn, giờ mọi người gọi khu đất bãi này là “xóm không chồng”, bởi nơi đây có tới 20% số hộ trong thôn là các hộ phụ nữ đơn thân. 
Thôn Tân Thịnh xưa có cái tên là làng ven đai, ngôi làng này được hình thành bởi những cặp vợ chồng trẻ ra ở riêng và cả những người phụ nữ quá lứa lỡ thì. Đến năm 2000, với mong muốn cuộc sống mới thịnh vượng, thôn đã đổi tên thành Tân Thịnh. Ông Nguyễn Xuân Mến – Trưởng thôn cho biết: Người dân làng Tân Thịnh quanh năm chỉ sống nhờ vào đồng ruộng, trông chờ vào hạt thóc, bắp ngô, củ sắn. Mặc dù nằm bên con sông Cầu hiền hòa, được sông bồi đắp, nhưng chẳng hiểu sao Tân Thịnh thường bị hạn hán, mất mùa. Sự nghèo khó ngày càng đè nặng lên người dân đến mức ông Mến đã nói rằng: “Về Hiệp Hòa hỏi xã nào nghèo nhất, người ta sẽ nói Đồng Tân. Về đến Đồng Tân hỏi thôn nào nghèo nhất thì sẽ nhận ngay được câu trả lời đó là Tân Thịnh. Vậy Tân Thịnh nghèo nhất Hiệp Hòa chứ còn gì nữa!” – ông Mến kết luận. Điều đó được minh chứng bằng những số liệu mà ông đưa ra: thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất, chưa có nước máy, giếng khoan, không có nghề phụ nào… Trong những câu chuyện về cái nghèo cái khổ của Tân Thịnh ấy có một thực tế buồn, nó như những lời ru ứa nước mắt về phụ nữ ở làng này cả đời không biết đến chuyện lấy chồng.
Toàn thôn có 65 hộ thì có đến 12 hộ phụ nữ đơn thân, chiếm 20% số hộ  trong thôn. Trong số đó có tới 11 hộ nghèo, chỉ có một hộ vừa thoát nghèo. Những gia đình phụ nữ đơn thân này đều có một điểm chung là lam lũ, nghèo khó, nhưng trong số đó có người may mắn có con –  một điểm tựa tinh thần lớn lao. Chính bản năng làm mẹ đã giúp họ có thêm sức sống tiềm tàng để vượt qua khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần nuôi dạy con khôn lớn. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới đến được nhà bà Lưu Thị Duyên, căn nhà nằm khuất nẻo trên một quả đồi, bao quanh là cây cối mọc um tùm. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ và chiếc tivi đen trắng. Bà tâm sự: “Hồi trẻ tôi cũng có nhiều người đến làm quen, hẹn hò, nhưng chẳng hiểu sao tôi không ưng ai cả, rồi tôi yêu một người đàn ông đến vùng đất này để xây dựng cầu, sau đó không thấy quay trở lại, vậy là tôi ở vậy nuôi đứa con chưa một lần biết mặt cha…”
Ở xóm không chồng đã có biết bao đứa trẻ được sinh ra mà chưa một lần biết mặt cha.  Tuy nhiên, không cam chịu số phận, những đứa trẻ đó đã vươn lên khẳng định bản thân bằng việc học thật giỏi. Nguyễn Văn Tuấn được sinh ra trong một gia đình nghèo, em không biết bố là ai. Thương mẹ, Tuấn đã chăm chỉ học hành. Trước đây em luôn bị các bạn trêu đùa khiến em tủi thân, xấu hổ và thường xuyên phải chuyển trường. Nhưng cũng chính điều này đã khiến một cậu bé không có sự dìu dắt của người cha như Tuấn sớm trở thành người lớn, làm trụ cột, chỗ dựa cho mẹ. Tuấn cho biết: “Mẹ em đã chịu nhiều thiệt thòi nên em quyết tâm học thật giỏi, có việc làm ổn định để kiếm tiền nuôi mẹ, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ”. Sự cố gắng và lòng hiếu thảo của Tuấn đã được đền đáp, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hiện nay em đang học năm thứ hai Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Còn em Nguyễn Thị Thanh cũng có hoàn cảnh giống Tuấn –  có nghĩa là từ khi sinh ra em chỉ biết mình có một người mẹ. Hiểu được hoàn cảnh và nỗi lòng mẹ nên dù mới 14 tuổi nhưng Thanh đã có những suy nghĩ, việc làm rất ra dáng người lớn, không để mẹ phải phiền lòng. Tám năm học qua em luôn là người con ngoan, trò giỏi. Hiện em đang trong đội tuyển học sinh giỏi Văn cấp huyện. Ngoài ra em còn chăm chỉ giúp mẹ việc đồng áng, việc nhà với đàn gà, con lợn…
Đó chỉ là hai trong nhiều số phận của những đứa trẻ ở “xóm không chồng” này đã biết vượt qua mặc cảm và khó khăn trong cuộc sống để vươn lên. Sự vươn lên ấy đã đem đến cho những mái nhà hiu quạnh, vắng bóng người đàn ông một luồng sinh khí mới, khiến cho những người phụ nữ và những đứa trẻ thiệt thòi có thêm hy vọng và sức sống, giúp ngôi làng nghèo khó, heo hút này bước sang một trang mới, đúng như ý nghĩa được kỳ vọng ở cái tên Tân Thịnh.
Phương Nhung, Đài TT Hiệp Hòa, 10/3/2010

Có thể bạn quan tâm