Bài 2: Hành trình tìm mộ của cháu nội cụ Hoàng Hoa Thám
(ANTĐ) – Để rõ hơn thông tin về phần mộ cụ Đề Thám, chúng tôi đã tìm gặp bà Hoàng Thị Điệp – cháu nội cụ. Dù đã bước qua tuổi 78, nhưng bà vẫn rất minh mẫn. Bà đã phân tích, đưa ra những giả thiết cá nhân về phần mộ cụ Hoàng. Những phân tích của bà và gia đình, xem ra không phải là không có cơ sở…
1. Hành trình tìm mộ
Hoàng Hoa Phồn là con trai út của cụ Đề Thám với bà ba Đặng Thị Nho. Khi ông sinh ra cũng là lúc thành Phồn Xương gặp nguy cấp. Lúc đó, cụ Hoàng mới đem gửi ông cho một nghĩa quân của mình tên là Đề Súy ở Sĩ Cầu nhờ nuôi dưỡng. Năm 19 tuổi, Hoàng Hoa Phồn được cụ Thống Luận gả con gái cho. Ông sinh được 2 người con là Hoàng Thị Hải và Hoàng Thị Điệp.
Từ nhiều năm nay, hai chị em bà Điệp đã cất công đi tìm mộ ông nội mình – cụ Đề Thám khắp nơi. ở đâu có tin đồn là gia đình bà có mặt. Thậm chí, không ít lần gia đình đã mời cả những nhà ngoại cảm vào cuộc, nhưng không kết quả.
Không chỉ nhờ đến tâm linh, gia đình bà cũng đã tìm đọc nhiều tư liệu xưa và nay, những công trình nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám cũng như mọi thông tin liên quan tới cái chết của cụ
Đề, gặp gỡ các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa… nhờ giúp đỡ nhưng càng tìm càng bặt vô âm tín.
Thông tin về phần mộ cụ Đề Thám ở làng Trủng, ở Hố Lẩy bà Điệp đều bác bỏ. Gia đình bà luôn tin rằng, cụ Đề chết do bệnh tật, chứ không phải do giặc Pháp giết hại. Ngày ấy, bà chỉ chừng 7-8 tuổi, nhưng bà vẫn nhớ như in câu trả lời của mẹ trước thắc mắc của bà về ông nội, câu nói của mẹ lúc đó rất nhỏ, chỉ vừa đủ rót vào tai bà, nhưng cái ngữ điệu ấy, cái câu nói ấy khiến bà suốt đời không quên “Ông nội con không phải bị Pháp chặt đầu mà chết vì bệnh kiết lỵ”.
Cách đây hơn 3 năm, khi nhận được một cuộc điện thoại thông báo có khả năng, phần mộ của cụ Đề Thám nằm ở Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ban đầu, bà không tin lắm. Nhưng rồi ngẫm lại, kết nối những sự kiện sử sách còn ghi và qua lời kể của những nhân chứng, bà bắt đầu có một chút hy vọng.
Ảnh 1. Tượng đài cụ Hoàng Hoa Thám tại khu di tích Yên Thế
Bà Điệp cho rằng, có thể ngôi mộ “ông ăn mày” ở Mai Trung là mộ ông nội bà. Điều này, trùng hợp với chuyện ông ngoại bà từng nuôi một “ông ăn mày” trong nhà, cứ đến bữa, cơm canh bao giờ cũng được mang đến cho “ông ăn mày” ăn trước, còn ông ngoại bà bao giờ cũng ăn sau.
Bà Điệp cũng đưa ra giả thiết, con đường từ Hố Lẩy đến Sĩ Cầu rồi tới Mai Trung là một đường thẳng, rất có thể cụ Đề Thám đã tới Sĩ Cầu thăm con trai đang được một nghĩa quân của cụ nuôi dưỡng ở đó, rồi tới Mai Trung ở ẩn. Vì vị trí này nằm cách xa Yên Thế, lại là một khu rừng rậm vắng vẻ, ít người lai vãng. Như thế sẽ an toàn trước sự truy đuổi của giặc và cũng tiện để bắt liên lạc với một số cơ sở ở Sóc Sơn.
Bà Điệp kể tiếp, nghi ngờ là thế, nhưng không thể chỉ tin vào cảm tính, gia đình bà đã nhờ đến các phương pháp khoa học hiện đại để xác minh. Anh Khánh, con trai bà đã nhờ một người quen ở Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an tư vấn, nhưng được biết, nếu có lấy mẫu xương trong ngôi mộ ở Mai Trung để xác định bằng phương pháp ADN cũng không thể chính xác được, bởi hậu duệ của cụ đã qua mấy đời.
Nếu có tìm được mẫu ADN của anh trai hay em gái cụ Đề thì mới chuẩn xác. Trong khi đó, tìm được mẫu ADN của em ruột cụ Đề Thám gần như là không thể.
Tiếp đó, gia đình cũng có kế hoạch mang mẫu xương đến Viện Khảo cổ, nhờ xác định niên đại bằng phương pháp C14, nhưng điều này hoàn toàn không khả thi, bởi nếu có xác định được niên đại của bộ hài cốt kia trùng với thời điểm năm 1913 – khi cụ mất đi nữa thì cũng chưa thể nói lên điều gì, bởi đó là thời loạn lạc, không thiếu gì người chết.
Ảnh 2. Biên bản bàn giao hiện vật được tìm thấy tại nơi được cho là tìm thấy phần mộ cụ Đề Thám
2. Cần một cứ liệu xác thực hơn!
Anh Hoàng Minh Hồng (cán bộ Nhà trưng bày Yên Thế – Khu di tích Yên Thế) là người đã có tới 13 năm nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Yên Thế và anh chừng ấy năm theo dõi, xác minh mọi thông tin liên quan tới phần mộ của cụ. Anh kể, cứ hễ nghe thông tin ở đâu có phần mộ cụ là anh tìm đến. Nhưng cho tới giờ, chưa có giả thiết nào làm anh tin tưởng.
Cả ba giả thiết ở Mai Trung, làng Trủng hay Hố Lẩy đều chưa đủ căn cứ để xác định. Hai lần anh tới Mai Trung, gặp gỡ các nhân chứng, nhưng vẫn chưa làm anh tin tưởng, bởi qua câu chuyện của những người dân vẫn chưa có sự trùng khớp. Khả năng cụ Đề mất ở làng Trủng cũng thiếu căn cứ bởi cụ Thống Luận là người có học, chắc cụ Thống Luận cũng phải có cách để ghi lại sự kiện này.
Thế nhưng, thông tin về phần mộ cụ Đề ở đâu, kể như bế tắc. Trong khi, con cháu cụ đã đào xới từng tấc đất nơi đây để tìm mà đâu có thấy. Thuyết cụ mất tại Hố Lẩy lại chịu quá nhiều phản bác, hơn nữa nếu cứ chỉ vào một bãi đất trống mà khẳng định là mộ cụ ở đây thì v
ô lý quá. Anh Hồng cho biết, việc tìm lại mộ cụ Đề Thám đang đến hồi… bó tay.
ô lý quá. Anh Hồng cho biết, việc tìm lại mộ cụ Đề Thám đang đến hồi… bó tay.
Việc ông Nguyễn Văn Sử tìm được một số di vật tại ngôi mộ “ông ăn mày” ở Mai Trung rất đáng lưu tâm. Các hiện vật đó cần phải được thẩm định sự chân xác. Đó là thời đại nào, bút tích, bài thơ còn trên giấy kia là của ai. Nếu xác định được số hiện vật này, chắc cũng hé lộ nhiều về thân thế người nằm dưới mộ.
Cần phải khẳng định, việc tìm được phần mộ cụ Đề Thám là việc làm hết sức có ý nghĩa, tưởng nhớ và tri ân những người đã có công lao đối với đất nước.
Để tìm được một mộ phần giữa diện tích rộng mênh mông của vùng núi rừng Bắc Giang trước đây, trong khi không có nhân chứng trực tiếp, không có cứ liệu khoa học chân xác, hoàn toàn chỉ dựa trên những câu chuyện kể lại thì chả khác gì tìm kim đáy biển.
Đã đến lúc, việc tìm lại phần mộ của cụ Đề Thám không chỉ còn là việc riêng của gia đình, của các cán bộ khu di tích Yên Thế mà cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ và cả các nhà quản lý.
Quỳnh Vân – Thanh Hoàn