Trang chủ » Xung quanh việc tìm thấy phần mộ cụ Hoàng Hoa Thám

Xung quanh việc tìm thấy phần mộ cụ Hoàng Hoa Thám

bởi unexpress

(ANTĐ) – Gần 100 năm sau cái chết của Anh hùng dân tộc Đề Thám, chuyện mộ phần của cụ hiện nằm ở đâu vẫn là một dấu hỏi lớn. Với những thông tin nghi vấn về dấu tích mộ cụ Hoàng Hoa Thám được xác định ở Mai Trung (Hiệp Hòa) rồi Hố Lẩy hay làng Trủng (xã Ngọc Châu, Tân Yên)… đã thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận, của các nhà nghiên cứu lịch sử… Cho tới nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng, chính xác dựa trên những chứng cứ khoa học về nơi cụ Đề Thám yên nghỉ.

Bài 1: Lật lại những nghi vấn

Nguyên nhân cái chết của cụ Hoàng Hoa Thám đã được sách sử ghi chép khá rõ ràng. Nhưng bên cạnh đó, lại có những thuyết khác về cái chết của cụ, về con người khi còn sống vẫn hay nói rằng “ta chết chỉ có rừng núi biết”!

 

 

Đền thờ cụ Hoàng Hoa Thám do người dân dựng lên tại Mai Trung

Bí ẩn ngôi mộ “ông ăn mày”

Vòng quanh làng, phải qua hơn chục lần hỏi đường, chúng tôi mới tìm đến được địa điểm được cho là nơi yên nghỉ của người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám ở cuối thôn Tân Lập, xã Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Khu đất nằm trong khuôn viên của một nhà dân. Ngôi đền kề bên mộ được người dân trong thôn người góp của, người góp công dựng lên từ một nền miếu nhỏ thờ Hoàng Hoa Thám.

Ông Nguyễn Văn Sử – chắt của cụ Lý Loan (tên thật là Nguyễn Văn Uyển) xưa kia là lý trưởng của vùng này cho biết, cách đây 20 năm, trước khi anh trai cả của ông mất đã dặn lại ông rằng, ngôi mộ “ông ăn mày” nằm trên đồi thông chính là của cụ Đề Thám.

Kể từ đó, ông ra sức kiếm tìm những thông tin liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế cũng như thông tin về cái chết của cụ. Và cũng đã ngần ấy năm, ông làm đơn gửi lên các cấp chính quyền đề nghị xác minh.

Theo lời ông Nguyễn Văn Sử, cụ Lý Loan xưa có mối quan hệ thân tình với cụ Đề Thám. Trong gia đình ông vẫn lưu truyền câu chuyện sau khi thành Phồn Xương vỡ, cụ Đề Thám đã cải trang thành hành khất, và ở tại nhà cầu thày Mai (ngôi nhà được dựng lên để người dân đi làm đồng nghỉ ngơi, trú mưa).

Đến năm 1913,  Đề Thám ốm, mất tại nhà cầu thày Mai, những người thân đã đưa xác cụ chôn ở cạnh một gốc thông cổ thụ cách nhà cầu thày Mai chừng 50m. Hiện tại, nền nhà cầu thày Mai vẫn còn và chỉ cách khu đất được cho là mộ Đề Thám đúng 50m.

Ông Nguyễn Văn Sử còn cho biết thêm, tháng 9-2005, khi ngôi đền được tu sửa xong, ông có ý định trồng một cây đại ngay phía trên khu đất được cho là mộ Đề Thám, khi đào xuống độ sâu chừng 30cm, ông tìm được một liễn sành úp ngược.

Phía bên trong liễn là một lớp lá trầu đã khô, tiếp nữa là 2 tờ giấy bản, trong đó có một tờ có chữ. Hai tờ giấy này được đặt trong lòng chiếc đĩa và được ốp chặt vào đáy liễn. Rất nhiều lá khô được chèn xung quanh, tiếp nữa là một lớp cát khô. Sau nữa là lớp vữa, rồi đến 2 chiếc đĩa có ve lòng, một chiếc vẽ 3 con cá chép, một vẽ 4 con.

Cả hai được trát vữa chặt. Nội dung của tờ giấy được phát hiện là một bài thơ bao hàm nội dung đã được phiên âm: “Cờ nghĩa bao năm nay lỡ vận/ Hậu thế nghìn năm ai biết không/ Yên ngựa nghỉ vào đây lòng đất/ Thế sự Hoàng Hoa ai rõ chăng/ Một nghìn chín trăm mười ba/ Tháng năm ngày mùng chín/Loan.

Tất cả những hiện vật này sau đó đã được ông Sử bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Bắc Giang vào ngày 4-11-2005, cuộc bàn giao này có sự góp mặt và chứng kiến của chính quyền xã Mai Trung, người dân thôn Tân Lập và gia đình ông Sử. Hiện tại, toàn bộ số di vật này vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang.

Anh Nguyễn Văn Tiếp (Đội tự quản xóm Tân Lập) cho biết, khi anh cùng những người dân đến định cư ở đây vào những năm 1980, khu đất này vẫn còn là cánh rừng thông, rừng lim rậm rạp với những cây gỗ lớn đến 2 người ôm không xuể. Khi đó, ngôi mộ đã có ở đây rồi. Ông cũng kể thêm, cách đây độ dăm năm, sau một trận mưa lớn, ngôi mộ bị xói mòn, lộ ra 2 xương ống chân. Thấy vậy, dân làng cho đắp lại và càng tin đó là mộ cụ Đề Thám.

Hố Lẩy, làng Trủng cũng từng được cho là có mộ cụ Đề Thám?

Địa điểm được cho là có mộ cụ Hoàng Hoa Thám tại địa danh Hố Lẩy hiện tại nằm cuối vườn vải nhà chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Đồng Gia, xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế) chỉ là một khu đất bằng phẳng. Theo lời kể của chị Thủy, trước đây, ngôi mộ được đắp cao, phía trước có tấm bia xây bằng gạch.

Nhưng mấy chục năm qua, những dấu tích đó đã không còn nữa. Anh Hoàng Minh Hồng (cán bộ Phòng VH-TT huyện Yên Thế) cho biết, nơi đây đã từng được Phòng VH-TT tiến hành khảo sát ngay từ đầu những năm 1990-1991, tuy nhiên kết quả thu được không nhiều, vả lại, đây là một việc lớn, phòng văn hóa huyện không thể đơn phương mà tiến hành được.

Theo nhiều tài liệu lịch sử còn ghi, địa điểm Hố Lẩy chính là nơi Đề Thám bị sát hại. Cuốn “Khởi nghĩa Yên Thế” của hai tác giả Khổng Đức Thiêm và Nguyễn Xuân Cần do Sở VH-TT tỉnh Bắc Giang – Hội KHLS Việt Nam xuất bản năm 1997 đã ghi rõ, Đề Thám bị giặc giết tại Hố Lẩy (Tân Hiệp, Yên Thế, Bắc Giang) vào sáng mùng 5 Tết (10-2-1913).

Giặc đã chặt đầu cụ cùng hai người thủ hạ nộp cho Đồn trưởng chợ Gồ và sau đó mang ra Nhã Nam. Tại đây, trước cổng lớn của đồn binh, ba cái đầu đã được bêu ở đó nhiều ngày. Được một thời gian, giặc Pháp mang đầu cụ xuống Cao Thượng thiêu xác và đầu rồi đổ tro xuống trước ao thành Phủ Mọc.

Trong cuốn “Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám” do Sở VH-TT Hà Bắc xuất bản năm 1984, căn cứ trên tài liệu của Bút-sê (Đại lý Pháp tại Nhã Nam Yên Thế) nhà nghiên cứu Tôn Quang Phiệt đã nêu lên việc cụ Đề Thám cùng hai thuộc hạ bị những kẻ tay chân của thực dân
Pháp sát hại rồi vùi xác xuống Hố Lẩy, mang thủ cấp về Nhã Nam lĩnh thưởng.

Lại cũng có thuyết kể rằng, cụ Đề Thám mất và được chôn tại làng Trủng (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên), cụ đã sống tại gia đình cụ Thống Luận cho tới khi nhắm mắt xuôi tay.

Chính Thống Luận đã nuôi Đề Thám khi cụ bị bệnh, đã chôn Đề Thám khi Đề Thám chết. Về sau, Thống Luận đã gả con gái của mình cho con trai út của Đề Thám là Hoàng Hoa Phồn (con gái của cụ Hoàng Hoa Phồn là bà Hoàng Thị Điệp hiện đang sinh sống tại Hà Nội-PV).

Ở làng Trủng cũng có một ngôi đền thờ Hoàng Hoa Thám, ngôi đền tọa lạc trên một khu đất cao, cách đó vài trăm mét có tấm biển ghi “Nơi đây lãnh tụ phong trào khởi nghĩa Yên Thế đã sống thời niên thiếu”. Cũng có thuyết cho rằng, mộ cụ được chôn dưới nền đình làng Trủng, lại cũng có người cho rằng, xưa kia Thống Luận đã chôn cụ ngay dưới gốc cây đa để che mắt kẻ thù.

(Còn nữa)

Quỳnh Vân – Thanh Hoàn

Nguồn: http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=31417&ChannelID=8, 5/2/2010

Ban biên tập bổ sung

Đây là bản sao nội dung bài thơ ở trong mộ được cho là mộ cụ Đề Thám:

Tài liệu do ông Quang Tính, CLB thơ xã Thường Thắng, Hiệp Hòa cung cấp.

Có thể bạn quan tâm