Lò gạch thủ công mọc lên như nấm dọc sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu… ngày đêm nhả khói ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và hoa màu ở các địa phương Hà Tây, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… Nhiều khu vực lò gạch đã xâm thực vành đai bảo vệ đê sông Hồng như khu vực các huyện ven sông của Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình và một số nơi khác.
1. Trên cấm, dưới xây thêm lò lấy nguồn thu
Trước thực trạng hàng triệu lò gạch ngói thủ công khắp các địa phương ngày đêm nhả khói không chỉ ảnh hưởng môi trường mà còn xâm hại trực tiếp tới hàng ngàn ha đất canh tác và hoa màu, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 15/2000/QĐ-BXD với tinh thần quyết liệt loại trừ lò gạch ngói thủ công, từng bước thay thế bằng công nghệ làm gạch ngói tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao và sạch về môi trường. Tuy nhiên, sau mười năm nhìn lại, mục tiêu xoá hoàn toàn lò gạch thủ công ở tất cả các địa phương vào 2010 có thể nói là thất bại. Không những thế, thay vì xoá bỏ, nhiều địa phương lại gia tăng số lò gạch thủ công vì nguồn thu đã tiêu tốn hàng triệu m3 đất canh tác mỗi năm…
Có thể thấy lò gạch thủ công vẫn mọc lên như nấm dọc sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu… ngày đêm nhả khói ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và hoa màu ở các địa phương Hà Tây, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… Nhiều khu vực lò gạch đã xâm thực vành đai bảo vệ đê sông Hồng như khu vực các huyện ven sông của Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình và một số nơi khác. Tại xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, một lãnh đạo UBND xã cho biết lý do tồn tại các lò gạch thủ công vì xã đã ký hợp đồng với các chủ lò để lấy nguồn thu cho địa phương. Đến nay, nhiều hợp đồng chưa hết thời hạn nên chưa thể dẹp bỏ được.
Đã không ít vụ người dân phản ứng đòi bồi thường thiệt hại hoa màu do lò gạch gây ra ở xã Châu Minh, Hiệp Hoà, Bắc Giang; huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Một số vụ việc đã căng thẳng đến mức UBND tỉnh phải vào cuộc trong hai năm mới dứt điểm như vụ hàng chục lò gạch do xã đấu thầu cho tư nhân khai thác tại Lý Nhân, Hà Nam. Tình hình trên cho thấy, một số địa phương có hưởng ứng Quyết định 15 nhưng trên thực tế lại thiếu quyết liệt ngăn chặn lò gạch thủ công vì lợi ích cục bộ của địa phương.
Số liệu mới nhất do các chuyên viên Bộ Xây dựng đưa ra, số lượng lò gạch thủ công có giảm đi ở một số tỉnh, thành như Đồng Nai, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Hà Tĩnh, Đà Nẵng… Nhưng con số ấy còn nhỏ so với số lò gạch thủ công tăng lên trái với quy định ở nhiều địa phương khác, như: An Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình…
2. Chế tài nhẹ, chính quyền còn buông lỏng quản lý
Nguyên nhân khách quan để tình trạng lò gạch thủ công còn hoành hành, là do nhu cầu xây dựng tăng quá nhanh. Cả nước tiêu thụ năm 2009 khoảng trên 25 tỷ viên gạch, thì lượng gạch do lò hiện đại đáp ứng được gần 60%, vì thế gạch thủ công vẫn có chỗ đứng trên thị trường (chiếm 23%).
Quyết định 15 nêu rõ: trên cơ sở rà soát quy hoạch đầu tư phát triển gạch ngói đất sét nung ở địa phương, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố hướng dẫn các chủ đầu tư chọn giải pháp sấy nung sản phẩm gạch ngói bằng công nghệ tiên tiến đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến năm 2005 loại lò gạch ngói thủ công ra khỏi các vùng ven đô thị, thành phố, các xã, thị trấn huyện và đến 2010 xoá bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất gạch ngói thủ công ở tất cả các địa phương. Đến nay, có thể nói mục tiêu này đã thất bại.
Đánh giá nguyên nhân, ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ Vật liệu Bộ Xây dựng cho rằng: Bộ Xây dựng rất quyết liệt hướng dẫn thực hiện chủ trương trên, trên cơ sở quy hoạch vùng phát triển gạch ngói, tiêu chuẩn kỹ thuật, giới thiệu công nghệ làm gạch mới… Còn trách nhiệm từng bước xoá bỏ lò gạch thủ công thuộc về chính quyền các địa phương. Nhưng vì tâm lý cần nguồn thu, trong khi lò hiện đại đầu tư vốn lớn nên có hiện tượng nể nang kéo dài thời gian hoạt động của các lò gạch thủ công.
Bên cạnh đó, cơ quan bảo vệ môi trường các địa phương xử lý không nghiêm đối với hành vi gây hậu quả về môi trường do các chủ lò gạch gây ra… Chính vòng luẩn quẩn này đã dẫn tới lò gạch thủ công giảm thì còn mức độ, mà nhiều địa phương lại phát triển gia tăng rất có hại về nhiều mặt.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang cho biết, trong hơn 1.300 lò gạch thủ công ở đây thì có tới 1.050 lò không có hệ thống xử lý khí thải. Tất cả khí thải, chất thải đều thải trực tiếp ra môi trường và các dòng sông. Không chỉ xâm hại trực tiếp môi trường, các lò gạch thủ công cũ nát đã trở thành mối lo lớn về tai nạn lao động…
Tuy nhiên, điều cốt yếu để mục tiêu xoá lò gạch ngói thủ công thành công, là chính quyền các địa phương thực sự vào cuộc ngăn chặn tiến tới xoá bỏ hoàn toàn các lò gạch này. Cơ quan bảo vệ môi trường cũng cần mạnh tay xử lý sai phạm, vì xét lợi ích toàn cục thì thay công nghệ mới với những dây chuyền hiện đại sản xuất gạch đem lại hiệu quả nhiều mặt cao hơn nhiều.
Nguồn: baoxaydung.com.vn p>
http://kientruc.vn/phong_su_ky_su/hang-ngan-ha-hoa-mau-tiep-tuc-bi-buc-tu/15143.html, 16/1/2010
hiephoa.net đăng lại ngày 18/1/2010