Những năm gần đây, trên địa bàn xã Hoàng Lương (Hiệp Hoà) có nhiều hộ đầu tư xây dựng xưởng mộc dân dụng. Nhờ đó, hàng trăm lao động trong xã có việc làm ổn định tại địa phương với thu nhập khá.
Một góc xưởng mộc nhà anh Lê Văn Tùng
Đến xã Hoàng Lương vào một buổi chiều nắng đẹp, từ xa chúng tôi đã thấy những tấm ván mới xẻ được đưa ra hong phơi dọc theo nhiều ngôi nhà ven đường. Tiếng đục lách cách, tiếng máy bào, máy tiện chạy xè xè. Những chiếc ô tô tải tấp nập chở gỗ về xóm, làng trong xã và đưa sản phẩm mộc từ đây đi tiêu thụ. Đến thôn Ninh Giang, nơi nghề mộc phát triển sôi động nhất, trước mắt chúng tôi là gần chục xưởng mộc quy mô lớn đang hoạt động, trong đó có xưởng của gia đình ông Nguyễn Bá Đức. Qua trò chuyện được biết, trước kia, như nhiều hộ dân trong thôn, gia đình ông Đức có thu nhập chính từ làm ruộng và chăn nuôi. Đến năm 1994, ông chuyển sang làm nghề mộc. Thời điểm ấy, khách hàng chủ yếu đặt mua các sản phẩm như bàn ghế, kệ tivi, chạn bát, giường, tủ. Do chưa có máy móc, thiết bị cơ giới nên ban đầu, ở tất cả các công đoạn, những thợ mộc như ông Đức đều làm thủ công, năng suất lao động thấp. Tuy nhiên, khi đã tích luỹ được vốn, nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm mộc dân dụng ngày càng đa dạng, gia đình ông Đức mua sắm một số phương tiện như máy xẻ, máy bào, máy phun sơn… và tổ chức đào tạo nghề mộc cho nhiều thanh niên trong xã. Nhờ sử dụng đội ngũ lao động tay nghề cao cùng với những phương tiện hiện đại, xưởng mộc của gia đình ông Đức ngày càng thu hút nhiều khách hàng. Từ một cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình chỉ sử dụng 1-2 lao động, đến nay xưởng mộc của gia đình ông Đức tạo việc làm cho gần 10 lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Cùng với ông Đức, tại xã Hoàng Lương còn có nhiều gia đình giàu lên nhờ nghề mộc dân dụng như hộ ông Lê Văn Tùng, thôn An Ninh; ông Nguyễn Văn Nam, thôn Lộc Ninh.
Tìm hiểu tại xã Hoàng Lương được biết trước năm 1980, trong xã đã có một số hộ làm nghề mộc. Khi ấy những người thợ chủ yếu “lấy công làm lãi”, ít đầu tư vốn mua nguyên liệu, máy móc. Do chưa có cơ sở sản xuất ổn định nên đội ngũ thợ mộc thường đi làm thuê ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng động thích nghi với nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân trong xã đã đầu tư vốn xây dựng xưởng sản xuất tại nhà. Hiện nay, toàn xã có gần 30 xưởng mộc, tập trung nhiều ở thôn Ninh Giang, An Ninh, Lộc Ninh. Sản phẩm mộc tại Hoàng Lương ngày càng đa dạng, ngoài những vật dụng truyền thống phục vụ khách hàng nông thôn còn có nhiều sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp tiêu thụ ở khu vực đô thị. Tại tất cả các xưởng mộc trong xã đều sử dụng máy móc chuyên dụng ở các công đoạn như cưa, xẻ, bào, tiện… nên năng suất, hiệu quả lao động ngày càng tăng. Với mục tiêu ổn định đầu ra cho sản phẩm, một số hộ có vốn lớn đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm mộc cho nhiều công ty kinh doanh nội thất ở Hà Nội với đơn hàng có giá trị cao.
Nghề mộc ở Hoàng Lương khởi sắc trong những năm gần đây tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn với thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/người/tháng, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, để nghề mộc ở Hoàng Lương phát triển ổn định, sản phẩm mộc cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, nhiều hộ dân kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiếp cận vốn vay ngân hàng; đầu tư kinh phí nâng cấp đường giao thông; bố trí điểm công nghiệp-dịch vụ tập trung tại địa bàn xã… Chính vì vậy, hàng năm, doanh số của nghề mộc đạt gần 2 tỷ đồng, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Xuân Tú
Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/284/51170.bgo , 14/1/2010