Trang chủ » Đầu xuân tản mạn chuyện Quỉ [284]

Đầu xuân tản mạn chuyện Quỉ [284]

bởi unexpress
Mỗi năm, vào dịp tết nguyên đán, người Việt Nam ta có tục dựng cây nêu, vẽ cung trừ quỉ. Theo truyền thuyết hàng năm vào dịp này lũ quỉ bị người và Phật tổ đánh đuổi ra biển Đông được phép vào thăm đất liền, dân theo tục lệ trồng Cây nêu để quỉ không dám bén mảng vào chỗ ở  của người. Tập quán tự ngàn xưa ấy phản ánh khát vọng cuộc sống tốt đẹp cho mình và cho mọi người, là biểu tượng của sức mạnh chính nghiã, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
 

 
Đã có ai nhìn thấy quỉ bao giờ, nhưng thật mâu thuẫn khi cuộc sống chúng ta luôn tồn tại quỉ, nó vô hình vô ảnh  nhưng lại luôn hiện hữu, đồng hành với con người ở mọi lúc, mọi nơi.
Từ nhỏ ai cũng hơn một lần được nghe nói tới quỉ, nhẹ cũng là: Bẩn như quỉ, nghịch như quỉ, láo như quỉ, quỉ ám, bệnh quỉ … còn nặng thì: Ác như quỉ, độc như quỉ, thâm hiểm như quỉ… Thậm chí mỗi khi chúng ta có một suy nghĩ hay việc làm chệch hướng ngoài ý muốn cũng  thốt lên: Mình đang làm cái quỉ quái gì thế này? 
 
Trong kho tàng văn hóa của các dân tộc, hình tượng quỉ được sáng tạo với đủ dáng hình, danh tính: Quỉ Sa tăng, quỉ dạ xoa, quỉ hút máu, quỉ lùn, quỉ thọt, quỉ chột, quỉ dâm dục… Có loại quỉ không may ai nhìn thấy mặt chúng lập tức hóa thành đá, vô tri vô giác. Quỉ xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi mặt của đời sống xã hội loài người. Khi cần tỏ rõ quyền uy và sức mạnh, chúng hiện hình với đủ các hình dáng dữ tợn nhất nhằm đe dọa, khủng bố, khống chế con người. Còn bình thường chúng rất giỏi ngụy trang trong những hình dáng, khuôn mặt hiền hậu, đẹp đẽ, thậm chí nhân từ, bác ái. Ác hiểm nhất quỉ trú ngụ trong mỗi con người mà không phải lúc nào ta cũng có thể nhận biết, thậm chí không tin rằng trong người ta có hạt mầm của quỉ, bởi vậy nhiều khi lơi lỏng, thiếu cảnh giác, tạo điều kiện cho quỉ  tự do hoành hành.
Khi các họa sĩ dùng ngòi bút và trí tưởng tượng khắc họa hình ảnh quỉ, ta thấy đó là sự hội tụ tất cả những xấu xa, ác hiểm: Lũ quỉ đầu sần sùi u cục, sừng nhọn, răng dài như chuối mắn, mắt thô lố, đỏ đòng đọc, mình đầy lông lá, tay chân vuốt sắc nhọn, rắn rết cuốn đầy mình, hôi hám, bẩn thỉu đến kinh người… đúng là đồ quỉ. Còn trong văn học, Tác Tuýp, anh chàng chán đời bên ngoài luôn tỏ ra cao đạo, đứng đắn, giả vờ đưa mùi xoa cho cô hầu gái che phần ngực sơ ý lộ ra, nhưng thực chất là con quỉ tham lam dâm ô, mưu toan cướp vợ và tài sản của bạn, nếu không có màn kịch dựng nên để lột mặt nạ của hắn thì không ai ngờ tới. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng khắc họa rất tài tình cuộc đấu tranh dằng xé  nội tâm trong truyện ngắn “Bức tranh”: “Trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt và kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỉ”…
Nhưng dù có dáng hình và danh tính thế nào thì cái chung nhất của quỉ là sự độc ác. Tôn chỉ và mục đích của quỉ là gây họa cho cuộc sống con người. Từ việc kín đáo khơi dậy những dục vọng thấp hèn, đến nuôi dưỡng, kích thích những hạt mầm tội ác. Có lúc chúng công khai đấu tranh trực diện với con người, có lúc chúng lại ẩn đằng sau những điều tưởng chừng nhân từ, lương thiện phấn đấu vì xã hội tốt đẹp, công bằng, bác ái. Đặc biệt những lúc cần thiết, chúng sẵn sàng liên minh với ma, mà bình thường chúng không để mắt tới vì coi đấy là bọn ma cô chuyên nghề lừa đảo. Những lúc ấy hậu quả thật là khủng khiếp, cái xấu và cái ác được nhân lên gấp bội, gây hại không chỉ cho một con người, một gia đình, mà cho cả quốc gia và thế giới loài người.
Năng lực của quỉ vô cùng to lớn, bởi quỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhằm cụ thể hóa những thói hư tật xấu, cái ác, cái đểu giả trong xã hội loài người. Cũng vì vậy quỉ hiểu rõ con người hơn tất cả, từ những ước mơ cao cả, tới những dục vọng thấp hèn và có đủ mưu mô thâm hiểm có thể hạ gục con người.
Đáng sợ nhất là bọn mặt người, dạ quỉ, vì chúng rất khó phát hiện và diệt trừ, như Nguyễn Du đã từng miêu tả phần nào trong “Phản chiêu hồn”:
Vênh vang xe ngựa lâu đài
Đứng ngồi bàn tán sánh vai Cao, Quì
Họ mặt ngoài không thò nanh vuốt
Cắn xé người nhai nuốt ngọt ngon…
Đấy là chân dung bọn quan lại nước Sở xưa, đi đứng nói cười thì giả bộ đạo mạo như ông Cao, ông Quì (hai vị quan thanh liêm, rất giỏi thời Nghiêu Thuấn). Họ không để lộ nanh vuốt và nọc độc, những mang dã tâm của kẻ tiểu nhân tham tàn bạo chúa, nhưng tìm mọi cách “cắn xé người ngọt sớt như đường”, khiến cho:
 “Hồ Nam kia mấy trăm chòm
Đói nghèo sơ xác không còn thịt da”.
Những “ông quan”, những lũ sâu mọt ấy, những lũ quỉ đội lốt người ấy đâu có thiếu ở xung quanh ta, chúng tìm mọi thủ đoạn để bòn rút của dân, của nước, ăn chơi hưởng lạc, thỏa mãn cái phần Con thấp hèn. Chúng thờ ma quỉ mong được truyền cho những âm mưu mánh lới siêu phàm, để tác oai tác quái kiếm nhiều của cải bất chính mà không bị phát hiện. Bọn quỉ cũng tìm được và vô cùng hài lòng với những “truyền nhân” mà nhiều khi chúng ngoài sự sung sướng, thán phục, thì không khỏi ghê sợ vì mưu mẹo và độ xảo quyệt của lũ đệ tử còn có phần hơn cả thầy…
Có thể nói cuộc chiến đấu giữa người và quỉ vô cùng khốc liệt, vì chúng vô hình vô ảnh len lỏi trong xã hội và trong mỗi con người để gieo những hạt mầm hắc ám, phát hiện và nuôi dưỡng những dục vọng từ lúc sơ khai. Bởi vậy đây là cuộc chiến gian khổ và khó khăn nhất của con người. Trước hết khó khăn vì rất khó nhận diện được quỉ, vì quỉ là ai? Quỉ chính là những con người thất nhân thất đức hóa thành. Chính vì vậy con người luôn phải đấu tranh, vật lộn với những ham muốn, dục vọng thấp hèn không bao giờ cạn trong chính mình và trong cộng đồng. Quỉ nhiều khi nấp dưới vỏ ngụy trang vô cù
ng khéo léo, rất khó phát hiện, ru ngủ ý chí con người, khiến con người dễ thỏa hiệp đồng lõa. Hơn nữa cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, lũ quỉ luôn rút kinh nghiệm để nâng cao bản lĩnh, ngày một tinh vi, thâm hiểm và độc ác hơn. Bởi vậy chiến thắng  bản thân bao giờ cũng là chiến thắng to lớn và đáng tự hào nhất của con người
Trong cuộc đấu tranh với quỉ, con người nhiều khi chiến thắng nhờ trí thông minh và lòng quả cảm. Song cũng có lúc phải cầu tới các đấng siêu nhiên: Thần, Phật như trong sự tích Cây nêu ngày tết, phải chăng điều đó thể hiện khát vọng cao đẹp của con người luôn phấn đấu để tự hoàn thiện mình,  vươn tới cái đích của Chân – Thiện – Mỹ. Thần, Phật ở đây phải chăng mang những giá trị tốt đẹp của cha ông ta chung đúc trải bốn ngàn năm giữ nước và dựng nước, được lớp con cháu kế thừa và phát triển đã trở thành thuần phong mỹ tục của một dân tộc con Lạc cháu Hồng.
Thực tế cuộc sống hôm nay không thiếu những kẻ ma đưa đường, quỉ dẫn lối, không thiếu những kẻ mặt người dạ thú. Chúng có mặt ở mọi lúc mọi nơi, không từ mọi thủ đoạn để thỏa mãn lòng tham vô đáy, gây ra những quốc nạn nghiêm trọng như: Lợi dụng chức quyền tham ô, lãng phí, sản xuất và mua bán ma túy, buôn bán trái phép… làm chậm sự phát triển của xã hội, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự ưu việt của chế độ ta… 
Ai đó đã từng miêu tả rất giỏi cảnh lũ quỉ từ trên cao dùng gương quỉ soi xuống trần gian, con người và vạn vật hiện lên méo mó và vô cùng xấu xí. Lũ quỉ khoái trí tranh nhau chiếc gương để xem cho thỏa chí, bất ngờ chiếc gương quỉ tuốt khỏi tay chúng rơi xuống trần gian, vỡ tan thành muôn hạt bụi vô hình bay khắp thế gian, ai thiếu cảnh giác để những hạt bụi ấy rơi vào mắt, người ấy sẽ có cái nhìn của quỉ, mầm xấu tưởng chừng đang ngủ yên bỗng được đánh thức, trỗi dậy, phần Người với những tố chất cao đẹp bị lu mờ, có khi tàn lụi.
Nhà thơ Ngọc Bái, hội viên hội nhà văn Việt Nam, có những vần thơ mà ai đọc cũng phải suy ngẫm và chiêm nghiệm: 
 
Ba trăm sáu lăm ngày
Thế nào cũng có ngày gặp quỉ
Không ai tin ở lời của quỉ
Nhưng quỉ làm ta tin ở những con người
                                                 (Ám ảnh)
Vâng! Cái phần người cao đẹp mang bóng dáng thiên thần ấy mới cao quí làm sao, nếu ta biết trân trọng, nâng niu, nuôi dưỡng từng mầm xanh cho Cây đời đơm hoa kết trái.
Ngày xuân phiếm đàm về quỉ, cũng là sự tự nhìn nhận lại chính mình sau một năm miệt mài phấn đấu (không khỏi có lúc nao núng vì bị quỉ xúi dục và thiếu lòng tin vì thấy xung quanh lũ quỉ lộng hành), để rồi thêm tự tin hơn vào một ngày mai tươi sáng. Dẫu cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác luôn gay go ác liệt và lâu dài trong suốt cuộc hành trình nhân thế. Xuân đến ta đựng cây nêu, mang theo những giá trị tốt đẹp của cha ông để lại, nâng những ước mơ cao đẹp vươn tới tận trời xanh, lồng lộng một niềm tin yêu vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Trần Vân Hạc, 13/1/2010

Có thể bạn quan tâm