An toàn khu II gọi tắt là ATKII là nơi đóng quân của các cơ quan của TW Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ, là khu đệm, nơi khu Việt Bắc và Bắc Bộ trong những năm 1944 – 1945. ATKII cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 35km về phía tây và cách thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) 7km về phía tây bắc.
ATKII là một vùng gồm hầu hết các xã của huyện Hiệp Hoà, giáp với huyện Phú Bình (Thái Nguyên) có dòng sông Cầu là địa giới hành chính. Di tích ATKII-Hiệp Hòa có: Đình Vân Xuyên; Đền Soi; Nhà cụ Đồ Ba, nhà cụ Nguyễn Văn Chế, nhà cụ Lý Đông thuộc xã Hoàng Vân; đình Chợ Vân thuộc xã Hoàng An; đình Xuân Biều thuộc xã Xuân Cẩm, được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích-lịch sử cách mạng cấp Quốc gia (Quyết định 2574/QĐ-BT, ngày 15/10/1994).
Được phép của UBND tỉnh Bắc Giang và Bộ Văn hoá-Thông tin, Sở VHTT tỉnh Bắc Giang đã tiến hành lập Dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phục hồi khu di tích lịch sử văn hoá An toàn khu ATKII-Hiệp Hòa, trình UBND tỉnh Bắc Giang và Bộ Văn hoá-Thông tin phê duyệt thực hiện.
Ngày 19 tháng 10 năm 2004, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng An toàn khu ATKII-Hiệp Hòa và giao cho Sở VHTT Bắc Giang làm chủ đầu tư công trình.
Ngày 25 tháng 7 năm 2005, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định phê duyệt thiết kế KTTC-Tổng dự toán công trình bảo tồn, tôn tạo di tích An toàn khu ATKII-Hiệp Hòa.
Đến tháng 9 năm 2005, công việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng An toàn khu ATKII-Hiệp Hòa được khởi công tu bổ, tôn tạo.
1. Đền Soi: Thuộc xóm Đá, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, được xây dựng ngay trên bờ về phía tả ngạn sông Cầu. Địa điểm này là nơi huấn luyện quân sự của Đảng, để chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp huấn luyện.
Đền Soi được tạo dựng vào thời Lê (TK 18) tới nay đã được tu sửa nhiều lần. Quy mô kiến trúc ngôi đền không lớn, chỉ có một toà 3 gian, hai chái, tường hậu và hai hồi xây bít đốc, ở hai hồi bên ngoài có hình long nhan nổi, xây giật cấp giả sơn. Phía trước đền có hệ thống cửa bức bàn chạy suốt ba gian, chắc chắn. Kết cấu các vì đơn giản, không chạm khắc trang trí, chỉ bào trơn đóng bén. Nguyên vật liệu là gỗ lim, gạch chỉ, gạch vuông Bát Tràng, ngói mũi hài. Vì nằm sát bờ sông Cầu, có nguy cơ bị dòng chảy làm lở đất, sập đền. Do vậy, ngôi đền cần được chuyển dịch về phía sau 40m. Công việc đã hoàn thành đảm bảo đúng nguyên tắc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích.
2. Đình Vân Xuyên: Thuộc làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, là địa điểm tập trung lực lượng quần chúng mít tinh, tuyên truyền cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hiệp Hòa năm 1945. Đình được xây dựng vào thời Lê (TK18) và đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), toà đại đình gồm 3 gian, hai chái 6 hàng chân cột (48 cột) và 4 mái đao cong. Toà hậu cung có 3 gian xây tường bít đốc, kết cấu đơn giản. ở phía trước toà đại đình là hai nhà tả vu và hữu vu (mỗi nhà 3 gian), ba mặt xây tường, không có cửa. Công trình đã hoàn tất và được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
3. Đình Xuân Biều: Thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa. Nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng đầu tiên của cả nước (ngày 12/3/1945). Đình Xuân Biều được xây dựng từ thời Lê (TK18) nhưng đã bị phá huỷ hoàn toàn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1998, được Bộ Văn hoá-Thông tin hỗ trợ kinh phí, cùng với sự đóng góp của chính quyền và nhân dân địa phương, đình Xuân Biều đã được phục dựng lại với quy mô 3 gian 2 chái. Còn toà hậu cung, năm 2005-2006 được trùng tu sửa chữa, nay đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Như vậy, giai đoạn I của dự án đã hoàn tất được 3 hạng mục công trình đảm bảo chất lượng.
Giai đoạn II của dự án bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phục hồi khu di tích An toàn khu (ATKII) Hiệp Hòa được tiến hành từ quý IV năm 2006 đến hết năm 2007, gồm có 4 di tích.
1. Đình Chợ Vân: Thuộc thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An (Hiệp Hòa), nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh lớn trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Đình Chợ Vân được xây dựng từ thời Lê (TK18), do nhiều yếu tố, nguyên nhân khách quan và chủ quan (thiên nhiên, thời tiết và điều kiện xã hội…), ngôi đình đã bị hư hỏng. Ngày 28 tháng 4 năm 2006, Hội đồng Khoa học Bộ Văn hoá-Thông tin đã họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hội đồng Khoa học, do Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu chủ trì. Hội đồng đã thống nhất phương án là xây dựng lại Đình Chợ Vân trên nền cũ.
2. Nhà cụ Lý Đông (Ngô Văn Đông): Thuộc thôn Liễu Ngạn, xã Hoàng Vân. Nơi đây đã diễn ra Hội nghị quân sự Cách mạng Bắc Kỳ lần thứ nhất, được tổ chức từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 20 tháng 4 năm 1945, do Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp chủ trì Hội nghị. Ngôi nhà này không còn, nay chỉ là bãi đất trống. Nơi đây đã được xây dựng một nhà bia và gắn bia lưu niệm.
3. Nhà cụ Đồ Ba (Ngô Văn Thấu): Thuộc xóm Đá (xóm Đỏ), làng (thôn) Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, là cơ sở cách mạng đầu tiên của An toàn khu (ATKII) Hiệp Hòa. Ngôi nhà này hiện nay đã chuyển cho một chủ khác sử dụng và đã được sửa chữa một vài lần. Hạng mục này cũng nằm trong phương án bảo tồn, tu bổ tôn tạo trong giai đoạn này.
4. Nhà cụ Nguyễn Văn Chế (tức Hựu): Ở xóm Đá (xóm Đỏ), làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, là địa điểm mở lớp huấn luyện chính trị của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa tám năm 1945. Lớp được mở vào tháng 11 năm 1942, do đồng chí Trường Chinh Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp giảng dạy. Cơ sở này hiện nay vẫn do con cháu cụ Nguyễn Văn Chế ở và giữ gìn. Nơi đây dựng bia lưu niệm.
Ngày 04 tháng 4 năm 2009, UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã tiến hành nghiệm thu và bàn giao những công trình trên cho UBND huyện Hiệp Hòa quản lý và phát huy tác dụng di tích.
Nhìn tổng quát thì bảy di tích lịch sử văn hoá An toàn khu ATKII-Hiệp Hòa đều đã xuống cấp, hư hại, không phát huy được giá trị của di tích. Chưa xứng với tầm, với ý nghĩa lịch s
ử lớn lao trong thời kỳ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Cách mạng giành chính quyền năm 1945. Do vậy, việc Nhà nước đầu tư kinh phí để bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phục hồi hệ thống di tích lịch sử văn hoá An toàn khu ATKII-Hiệp Hòa là nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di tích, góp phần vào việc giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đó cũng là lẽ sống và đạo lý của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn-Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Nguyễn Hữu Tự