Trang chủ » Áp lực xử lý nợ xấu: Cần hành lang pháp lý mạnh hơn

Áp lực xử lý nợ xấu: Cần hành lang pháp lý mạnh hơn

bởi unexpress

Trong khi đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, một công cụ xử lý nợ xấu hiệu quả thời gian qua, sẽ hết hiệu lực trong vòng 1 năm tới. Áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đang ngày một gia tăng, đòi hỏi hành lang pháp lý mới mạnh tay hơn cho hoạt động này.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Nguy cơ gia tăng

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến ngày 31/5/2021 là 425,4 nghìn tỷ đồng (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ hạch toán ngoại bảng cân đối kế toán, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt được xác định theo Nghị quyết 42), giảm 3,4% so với cuối năm 2020.

Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/5/2021, đã xử lý được 353,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro. Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2021 đạt trung bình khoảng 6,06 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,54 nghìn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn năm 2012-2017, đạt khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng.

Kết quả tích cực là thế, nhưng nhiều cảnh báo cho thấy nợ xấu sẽ tiếp tục dâng cao trở lại do đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát nghiêm trọng lần thứ 4 này. Ghi nhận từ báo cáo tài chính quý II/2021 của các ngân hàng cho thấy hơn nửa số ngân hàng đều ghi nhận số dư nợ quá hạn tăng cao so với cuối năm 2020, đặc biệt là nợ xấu nhóm 4 và 5 (nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn). 

Cụ thể như tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), nợ nhóm 5 tăng mạnh tới 103% và chiếm tới trên 80% tổng nợ xấu của ngân hàng; con số này tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tăng tới 19%, chiếm 75% tổng nợ xấu. Nợ nhóm 5 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng tăng đến 145%, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) tăng tới 100%, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tăng 40%…

Bà Nguyễn Thu Lan, Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nhận định, nợ xấu do đại dịch COVID-19 hiện mới chỉ là nguy cơ chứ chưa phải là nợ xấu hiện hữu. Bởi trong thời gian qua, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó công cụ mạnh nhất là Thông tư 01, 03 tạo điều kiện cho ngân hàng giãn nợ, gia hạn nợ, cơ cấu nợ….

“Tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc và ảnh hưởng nặng nề của nó thì vẫn còn ở phía trước, do đó các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tương lai và ngân hàng chắc chắn cũng sẽ không thể nằm ngoài những tác động này”, bà Lan nhấn mạnh.

Trở lại với quá trình xử lý nợ xấu tại Techcombank, bà Lan cho biết ngân hàng đã xử lý được một lượng lớn nợ xấu nội bảng và ngoại bảng; trong đó trên 70% các khoản nợ xấu được xử lý bằng Nghị quyết 42. Việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn tạo điều kiện cho ngân hàng có nguồn lực để cho vay khách hàng tốt, khách hàng trả nợ đúng hạn với lãi suất tốt hơn và thủ tục thông thoáng hơn. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, việc xử lý nợ xấu giúp ngân hàng “khỏe” hơn để có thể hỗ trợ khách hàng có khó khăn tạm thời do dịch bệnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Tài, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) nhận định Nghị quyết 42 đã tạo tiền đề về ý thức, trách nhiệm thực hiện các cam kết trong hợp đồng tín dụng của khách hàng, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay – trả. 

“Nghị quyết 42 được ban hành cho thấy xử lý nợ xấu không chỉ là mối quan tâm của ngành ngân hàng mà còn là của toàn dân”, ông Tài đánh giá.

 Vẫn còn những nút thắt

Nghị quyết 42 được ví như “bảo bối” xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng trong quá trình triển khai chưa được giải quyết, chủ yếu tập trung ở việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ do có sự khác nhau giữa nội dung Nghị quyết số 42 với pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt, việc chỉ dừng lại ở Nghị quyết thí điểm đã dẫn đến tâm lý ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành tại một số cơ quan hữu quan…

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), một trong những vướng mắc lớn khi xử lý nợ xấu hiện nay là xử lý tài sản đảm bảo. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng là một trong những nội dung trọng tâm tại Nghị quyết 42 nhưng nghị quyết này lại không quy định chế tài xử lý hoặc cơ chế, cách thức tiến hành cưỡng chế trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác.

Hơn thế, thực trạng thiếu thông tin về tài sản bảo đảm cũng gây khó cho quá trình xử lý. TS. Cấn Văn Lực cho biết, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng trích xuất, tra cứu thông tin về hiện trạng tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết, nên không biết tài sản có tranh chấp, vướng mắc gì hay không, trong khi chưa có hướng dẫn áp dụng cụ thể, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42… 

“Thực tế đã cho thấy những hiệu quả tích cực từ Nghị quyết 42. Tuy vậy, nợ xấu là vấn đề luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, đối tượng mà Nghị quyết 42 tập trung vào là các khoản nợ được hình thành trước khi nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017). Và chỉ trong hơn 1 năm nữa, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực. Do đó, việc luật hóa xử lý nợ xấu là rất cần thiết”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đánh giá, các quy định pháp luật đã có tác dụng rất tốt trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên, chính sách vẫn cần phải hoàn thiện để bảo đảm việc xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và nợ xấu nói riêng của ngành ngân hàng tốt hơn. 

Vì vậy, Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị cần phải tiếp tục kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42, tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào hệ thống toà án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng. Các quy định xử lý nợ xấu có giá trị pháp lý cao hơn giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Lường trước nguy cơ về nợ xấu có thể xảy ra, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đề nghị “luật hóa” các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một luật về xử lý nợ xấu. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch COVID-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được. Đồng thời, tổ chức tín dụng thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng; nợ xấu khó có thể kiểm soát dưới 2%.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc ban hành Luật về xử lý nợ xấu sẽ giúp chính sách xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 được duy trì, giúp tổ chức tín dụng đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu; thu hồi vốn nhanh, khơi thông nguồn vốn cho tổ chức tín dụng hoạt động; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của tổ chức tín dụng và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm