Trang chủ » Hiệp Hoà phát triển đàn bò

Hiệp Hoà phát triển đàn bò

bởi unexpress

Hai năm qua được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, huyện Hiệp Hòa thực hiện dự án “Ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt theo hướng bán chăn thả”. Dự án này giúp nhiều hộ dân mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi bò lai Sind thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dự án được thực hiện ở các xã: Hợp Thịnh, Thái Sơn, Lương Phong, Thường Thắng, Danh Thắng, Hùng Sơn và Mai Trung. Đây là những địa phương có diện tích vườn bãi, đồng cỏ rộng, điều kiện kinh tế của các hộ dân tương đối khá nên thuận lợi để nuôi bò thịt tập trung. Tổng kinh phí của dự án gần 2,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp trung ương và địa phương hơn 1,6 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của nhân dân. Dự án thực hiện với hai mô hình: nuôi bò sinh sản với quy mô 171 con nái, 10 con đực và nuôi bò thịt với số lượng 57 con, bình quân mỗi hộ 5 con. Giống bò được nuôi thả là lai Sind (3/4 máu ngoại). Để dự án đạt hiệu quả cao, Hiệp Hòa thành lập Ban quản lý dự án do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Tại các xã trong vùng dự án cũng thành lập tổ công tác phối hợp với Ban quản lý dự án huyện tiến hành lựa chọn đối tượng tham gia nuôi bò là những hộ có điều kiện kinh tế và cam kết thực hiện tốt các yêu cầu của dự án, nuôi quy mô từ 3 con trở lên.

Cùng đó, Ban quản lý dự án huyện còn trực tiếp đến từng hộ chăn nuôi để kiểm tra, thẩm định về điều kiện kinh tế, chuồng trại, diện tích đồi bãi, đồng ruộng có thể trồng cỏ làm thức ăn. Trong quá trình thực hiện các mô hình, định kỳ từ ba tháng đến sáu tháng, Ban quản lý dự án tổ chức họp một lần mời tổ trưởng ở các xã và hộ tham gia dự án nghe báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và khó khăn trong phát triển đàn bò để có phương án giải quyết kịp thời. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 62-80% kinh phí mua bò giống, trồng cỏ VA06 và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Điểm mới của dự án là các hộ dân được trực tiếp chọn mua con giống ở Công ty Giống gia súc Trung ương Môn-ca-đa (Ba Vì, Hà Nội). Thay vì nuôi bò theo kinh nghiệm truyền thống trước đây, các hộ nông dân còn được Viện Chăn nuôi hướng dẫn kỹ thuật xây chuồng trại; chọn bò giống lai Sind bảo đảm chất lượng (có màu vàng sậm, u yếm phát triển, tầm vóc lớn); kỹ thuật nuôi bò thịt, sinh sản và bò đực giống; tiêm vắc xin phòng bệnh; chế biến thức ăn bằng cách ủ men vi sinh với thức ăn tinh; ủ rơm urê… làm thức ăn cho bò vào lúc khan hiếm. Đặc biệt, chăn nuôi theo phương pháp bán chăn thả, ngoài cho bò ăn cỏ tự nhiên, nông dân còn bổ sung thêm các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao (cỏ VA06, lá ngô…), thức ăn tinh (cám) nên bò sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt.

Tìm hiểu tại Thường Thắng được biết, toàn xã có 7 hộ tham gia nuôi bò sinh sản và bò thịt theo phương pháp bán chăn thả với quy mô 37 con, bình quân 5-6 con/hộ. Gia đình anh Nguyễn Văn Năm, thôn Đường Sơn là hộ có quy mô nuôi bò lai Sind lớn trong xã. Trước đây, gia đình anh chỉ nuôi một con bò thương phẩm bằng giống bò vàng địa phương. Năm 2007, tham gia dự án, gia đình anh được hỗ trợ nuôi thêm 9 con bò lai Sind và trồng 5 sào cỏ VA 06. Anh Năm cho biết: “Mặc dù nuôi với số lượng lớn như vậy nhưng tôi thấy rất nhàn bởi không phải đi chăn thả như trước. Thức ăn cho bò là cỏ trộn với cám ngô, cám mạch, bột sắn ủ men vi sinh trong thời gian 15 ngày. Định kỳ 6 tháng, tôi tiêm phòng cho bò, chuồng trại được dọn vệ sinh 2 lần/ngày. Nuôi theo phương pháp mới, trừ chi phí trung bình mỗi con lãi 250 nghìn đồng/tháng”. Từ hiệu quả này, năm nay, gia đình anh dự kiến mở rộng quy mô nuôi bò lên 10 con.

Kết quả thực hiện dự án cho thấy, bò nái lai Sind có tỷ lệ chửa đạt gần 60%. Bê lai Sind mới sinh có trọng lượng từ 18-20 kg, nặng gấp 1,5 lần bê nội. Khi 6 tháng tuổi bê lai nặng 115 kg, trong khi bê nội chỉ nặng gần 100kg. Bê nội 10 tháng xuất chuồng thì bê lai chỉ cần 6 tháng đã tách mẹ, giá bán cao gấp 2-3 lần bê nội (một con bê lai giá 5-6 triệu đồng). Đặc biệt, bò đực lai ở tuổi trưởng thành có trọng lượng 400 kg/con, bò cái lai 300 kg/con, nặng gấp 1,5 lần bò ta mà thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Theo đánh giá của các hộ nông dân, so với nuôi bò nội theo phương pháp truyền thống, nuôi bò lai Sind thương phẩm theo phương pháp bán chăn thả có ưu điểm: tiết kiệm công chăn thả do bò được bổ sung thức ăn thô xanh, tinh. Sau 16 tháng nuôi, trọng lượng bò lai Sind thương phẩm đạt 200 kg, bình quân mỗi tháng tăng trọng gần 13 kg, cao hơn bò nội 5-7 kg. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi bò lai Sind theo phương pháp bán chăn thả, nhiều hộ dân ở Hiệp Hoà đã mở rộng quy mô nuôi từ 5-10 con/năm…

Qua hai năm thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt theo hướng bán chăn thả”, đến nay nhiều hộ nông dân ở Hiệp Hoà đã thay đổi nhận thức, chuyển từ phương thức chăn thả quảng canh sang chăn nuôi bán công nghiệp. Các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại kiên cố, cho bò ăn đủ các thành phần thô xanh, tinh và tiêm phòng định kỳ. Đến thời điểm này, tổng đàn bò toàn huyện đạt 32.100 con, tăng gần 2 nghìn con so với năm 2006; tỷ lệ bò lai Sind tăng lên 38%. Toàn huyện có hơn 60 hộ nuôi bò theo phương thức bán chăn thả với quy mô từ 3 con/năm trở lên. Thời gian tới, UBND huyện Hiệp Hoà tiếp tục quy hoạch vùng, chỉ đạo các xã có diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng áp dụng mô hình nuôi bò theo phương thức bán chăn thả đồng thời cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn nông dân nuôi bò theo phương thức kết hợp cho ăn cỏ tự nhiên, thức ăn chế biến và phòng bệnh theo định kỳ.

Có thể bạn quan tâm