Trang chủ » Ấn Độ và tham vọng vượt Trung Quốc về kinh tế

Ấn Độ và tham vọng vượt Trung Quốc về kinh tế

bởi unexpress

BNEWS Với mục tiêu trở thành công xưởng tương lai của thế giới, Ấn Độ đang tích cực mở rộng các hiệp ước thương mại tự do và tăng cường liên minh khu vực.

Ấn Độ là khách mời ưu tiên của Diễn đàn hợp tác Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương được tổ chức tại Paris ngày 22/2. Nhân dịp này, báo Le Figaro đăng bài viết “Ấn Độ liệu có vượt qua Trung Quốc ở châu Á?”, trong đó nhận định rằng với khao khát trở thành công xưởng tương lai của thế giới, Ấn Độ đang tích cực mở rộng các hiệp ước thương mại tự do và tăng cường liên minh khu vực.
Đây là một trong những nỗi ám ảnh của Thủ tướng Narendra Modi. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2014, nhà lãnh đạo này luôn mong muốn thu hút các ngành công nghiệp lớn để tạo việc làm và xuất khẩu, biến Ấn Độ trở thành công xưởng của thế giới, giống như Trung Quốc trước đó.
Để đạt mục tiêu này, ông Modi đã đưa ra kế hoạch “Make in India”, theo đó đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài. Nhưng 5 năm sau, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ trong thương mại thế giới vẫn chỉ đạt 1,6% so với ngưỡng 1,4% của năm 2010.
Trong thời gian này, Ấn Độ chỉ ký được hai hiệp định thương mại tự do với Mauritius vào tháng 2/2021 và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vào ngày 18/2 mới đây. Ngược lại, nước này đã rút khỏi các cuộc đàm phán dẫn đến việc thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Khu vực thương mại tự do Ấn Độ-Thái Bình Dương, vào năm 2019.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 và thực tế là xuất khẩu chỉ tăng 1% trong 6 năm đã hối thúc Ấn Độ điều chỉnh chính sách. Bộ Thương mại nước này đặt mục tiêu xuất khẩu từ 450-500 tỷ USD vào năm 2023, tương đương mức tăng ít nhất 50% trong hai năm.
Chính phủ cũng đang đẩy mạnh đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm đưa Ấn Độ hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cho rằng Ấn Độ vẫn chưa thể trở thành đối thủ nặng ký của Trung Quốc và còn quá nhiều việc phải làm nếu muốn đạt mục tiêu này.
Đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) là mục tiêu của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và EU. Việc EU tha thiết mời Ấn Độ tham dự Diễn đàn Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương đã minh chứng cho mong muốn xích lại gần nhau của cả hai phía.
Tuy nhiên, vấn đề là cả hai cần nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán đã kéo dài 15 năm để có thể ký kết một hiệp định thương mại tự do, mở đường cho những chương trình hành động cụ thể trong khuôn khổ quan hệ đối tác được mong chờ này.
Tháng 5/2021, Ấn Độ và EU thông báo đã nối lại các cuộc đàm phán bị đình chỉ từ năm 2013. Tiến trình đàm phán này từ lâu đã vấp phải vấn đề thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp, rượu và công nghiệp ô tô của châu Âu. Về phần mình, Ấn Độ kêu gọi EU nới lỏng các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và thị thực. Rất khó để nói khi nào những khác biệt này sẽ được giải quyết.
Năm 2020, lần đầu tiên sau 6 năm, Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (ASACR) đã tổ chức được một hội nghị thượng đỉnh dưới hình thức trực tuyến sau thời gian dài chiến tranh lạnh giữa Ấn Độ và Pakistan. Để bù đắp, Ấn Độ đã cố gắng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế và quân sự với khu vực Đông Nam Á, đồng thời hy vọng thổi một luồng sinh khí mới vào BIMSTEC, một hiệp hội tập hợp các quốc gia của vịnh Bengal, cũng như Sri Lanka, Nepal và Bhutan.
Ấn Độ đang hướng tới một thỏa thuận với Anh trong năm nay, sau khi London tích cực tìm kiếm các đối tác thương mại mới sau sự kiện Brexit (chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu).

Thủ tướng Narendra Modi muốn thuyết phục người đồng cấp Boris Johnson tạo điều kiện cấp thị thực cho sinh viên và lao động có tay nghề cao, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Anh cho các sản phẩm nông nghiệp của Ấn Độ. Về phần mình, London muốn giảm thuế hải quan đối với rượu whisky và ô tô./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm