Theo dự kiến, trong năm 2021 sẽ phải hoàn thành các dự án này. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, có yếu tố dịch COVID-19 và chậm giải phóng mặt bằng đã làm một số dự án bị chậm tiến độ phải lùi tiến độ hoàn thành trong năm 2022.
Cụ thể, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay, trong số 10 dự án đường bộ cấp bách, đã có 7 dự án đã hoàn thành, gồm: tuyến nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; nâng cấp Quốc lộ 4 đoạn nối Hà Giang – Lào Cai; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa – cửa khẩu Pò Mã, Bắc Kạn; dự án Quản Lộ – Phụng Hiệp; Quốc lộ 27 tỉnh Lâm Đồng; Quốc lộ 30 tỉnh Đồng Tháp; Quốc lộ 53 tỉnh Bến Tre.
Đối với dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre) đã hoàn thành theo quyết định đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, dự án mới bổ sung hai cầu với tiến độ hoàn thành vào tháng 12/2022.
“Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đến Kon Tum gồm hai dự án thành phần; trong đó, dự án thành phần 1 dài hơn 10km đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành vào tháng 8/2021.
Dự án thành phần 2 dài 31,3km qua địa phận tỉnh Kon Kum do Sở Giao thông Vận tải Kon Tum làm chủ đầu tư được yêu cầu phải hoàn thành vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, do tiến độ bị chậm, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chấp thuận gia hạn tiến độ lần hai đến tháng 6/2022.
Hiện giải phóng mặt bằng và 1/3 gói thầu của dự án đã hoàn thành. Hai gói thầu còn lại đang thi công, sản lượng đạt khoảng 73%, cơ bản đáp ứng yêu cầu điều chỉnh”, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thông tin.
Đối với dự án cải tạo nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25 qua địa bàn hai tỉnh Phú Yên – Gia Lai, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, dự án có 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 dài 21km do Sở Giao thông Vận tải Gia Lai làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành.
Dự án thành phần 1 dài 5,4km (Sở Giao thông Vận tải Phú Yên làm chủ đầu tư) theo kế hoạch sẽ cán đích vào tháng 12/2021. Mặc dù vậy, tiến độ thi công không đáp ứng được yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải đã gia hạn thời gian thi công. Tính đến nay, sản lượng thi công dự án đạt gần 90%, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2022 theo đúng tiến độ điều chỉnh.
Dự án thành phần 2 dài 17,7km gồm ba gói thầu; trong đó, 2/3 gói thầu đã được hoàn thành. Một gói thầu mới bổ sung (9,4km) sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 71,3%, dự kiến cán đích vào tháng 3/2022.
Liên quan 4 dự án đường sắt, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, hiện 22/34 gói thầu đã cơ bản được hoàn thành, 11 gói thầu đang thi công.
Riêng 1 gói thầu EPC (về thông tin báo hiệu) của Ban Quản lý dự án Đường sắt đã mở thầu lần 3 vào tháng 11/2021, song vẫn chưa lựa chọn được nhà thầu. Dự kiến, việc đấu thầu sẽ tổ chức lại vào tháng 3/2022.
Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận thời gian điều chỉnh cho 4 dự án. Trong đó, dự án cải tạo đường sắt đoạn Nha Trang – Sài Gòn và gia cố cầu yếu cùng các gói thầu khác được gia hạn cơ bản hoàn thành vào năm 2022.
“Hai dự án còn lại, gồm: cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội Vinh và Vinh – Nha Trang có 12 gói thầu; trong đó, 9 gói được điều chỉnh hoàn thành năm 2022 và 3 gói liên quan đến công trình hầm và gói thầu EPC hoàn thành trong tháng 10/2023”, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thông tin.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường bộ quan trọng, cấp bách có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, trong khi đó, 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách cũng có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Theo Báo Tin Tức